Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 15/5, đối với đề xuất cấm nhập khẩu xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là liên doanh nước ngoài chiếm 75% vốn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đại diện chỉ nắm 25%; còn Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn 100% vốn trong nước. Song, đây không phải là 2 nhà máy xuất khẩu dầu thô, mà dùng dầu thô chế biến sản phẩm thành phẩm xăng dầu để bán và xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho rằng việc cấm nhập khẩu xăng dầu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng (Ảnh: Internet) |
Thời gian qua, PVN gặp khó khăn do giá dầu thô thế giới sụt giảm, trong vòng 3 tháng giảm hơn 60%, nên nguồn thu bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng Việt Nam có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu đáp ứng yêu cầu Nghị định 83, tức là đầu mối trực tiếp xuất nhập khẩu xăng dầu. Bản thân các doanh nghiệp này vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn, 8 lần liền giảm giá xăng liên tiếp.
Do đó, với đề xuất của PVN về việc dừng nhập khẩu xăng dầu, ông Hải cho hay đã có bàn bạc kỹ với các đơn vị Bộ Công Thương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiệp hội xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và người tiêu dùng… để cân nhắc thận trọng. Nếu cấm, chỉ một hoặc một số được nhập khẩu, thì có thể ảnh hưởng giá cả, quyền lợi người dân, toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Đồng thời, việc cấm nhập có thể vi phạm quy định của WTO và các nước có thể đưa ra biện pháp cấm nhập khẩu mặt hàng khác của Việt Nam.
Vì vậy, trước mắt, Bộ Công Thương cân nhắc kỹ lưỡng việc cấm nhập khẩu xăng dầu, để đảm bảo hài hòa các quyền lợi giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng, Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng, đủ xăng dầu để cung cấp.
Ông Hải cho hay, đơn cử như năm 2019, sự cố của Nghi Sơn chỉ kéo dài 1 tháng 4 ngày đã khiến cơ quan điều hành rất lo, yêu cầu phải nhập khẩu xăng dầu và phải tôn trọng hợp đồng nhập khẩu xăng dầu với các đối tác.
Lê Thúy