Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho rằng trong trường hợp khả quan nhất, XK tăng vào quý cuối năm, thì có thể kim ngạch XK sang Trung Quốc giữ được mức tương đương như năm 2018 là 1,2 tỷ USD.
Hiện nay, có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: Internet) |
Chưa kể, với thu nhập gia tăng, người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn như xuất sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Tình hình XK thủy sản sang Trung Quốc có xu hướng giảm từ năm 2018. XK thủy sản sang Trung Quốc quý I năm nay tiếp tục giảm 5%, sang quý II có chiều hướng khả quan hơn, chỉ giảm nhẹ 0,3% đạt 333 triệu USD. Tính đến hết tháng 6 năm 2019, XK thủy sản sang Trung Quốc giảm nhẹ 2,3%, đạt 572 triệu USD.
Nguyên nhân trước hết do Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại mậu biên và kiểm tra an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu thủy hải sản XK của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy C/O, bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc…
Cùng với đó, đồng NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng VND trước đồng USD đã tạo ra chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VND là rất lớn. Vì thế, giá trị của VND so với NDT tăng lên. Trong trường hợp này, giá hàng hóa XK từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc, sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc XK của Việt Nam.
Trong khi đó, nước cạnh tranh XK lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn (nhờ lợi thế giá thành thấp hơn), trong khi đồng rupee cũng bị phá giá sâu so với USD nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với đồng VND. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh XK sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn. Hiện Ecuador và Ấn Độ đang đứng đầu về XK tôm sang Trung Quốc (chiếm 75% khối lượng nhập khẩu tôm của nước này), trong khi Việt Nam chỉ đứng thứ 6, sau cả Thái Lan, Argentina và Canada.
Đồng thời, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, khi hai bên áp mức thuế nhập khẩu cao với hàng hóa của nhau thì cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi XK sang cả hai thị trường này.
Hiện nay, có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp XK cá tra, basa, và gần 50 doanh nghiệp XK tôm, một số doanh nghiệp hải sản. Một số lượng đáng kể doanh nghiệp XK sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản XK nói chung và sẽ tác động đến các thị trường khác trong khu vực vì chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á.
Thy Lê