Ghi nhận dữ liệu mới đưa ra vào hạ tuần tháng 8/2024 từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho thấy, thị trường Nhật Bản hiện mới chỉ chiếm 7,4% tỷ trọng tổng xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Chưa xứng tầm với dư địa một thị trường lớn
Điều này được cho là chưa xứng tầm với một thị trường có sức tiêu thụ lớn như Nhật Bản đối với hàng nông thủy sản - thực phẩm nhập khẩu. Nhất là nước này có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như cá, tôm, lươn, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê…
Còn nhiều việc phải làm cho các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm Việt để tham gia tốt hơn vào chuỗi bán lẻ của Aeon tại Nhật Bản. |
Chẳng hạn như XK rau quả của Việt Nam vào Nhật Bản vẫn còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 1,99%) trong tổng giá trị nhập khẩu rau quả hàng năm của Nhật Bản.
Giới chuyên gia đã chỉ rõ mặt hạn chế là đơn giá XK các loại rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn còn cao, do chi phí nguyên liệu và chi phí chế biến cao. Cho nên để nâng cao hiệu quả XK rau quả vào Nhật đòi hỏi cần xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau quả, đảm bảo chất lượng sản phẩm, phát triển hệ thống logistics ngành rau quả và công nghiệp phụ trợ cho XK rau quả.
Hay như XK thủy sản của Việt Nam vào Nhật Bản tính ra trong 7 tháng đầu của năm 2024 chỉ tăng nhẹ có 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng XK tôm trong nửa đầu năm chỉ đạt 229 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp (DN) ngành tôm Việt vẫn đang kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu tôm ở Nhật Bản có thể cải thiện tốt hơn trong tháng 9/2024 để phục vụ nhu cầu tăng lên vào cuối năm nay.
Nên nhắc thêm, các DN xuất khẩu tôm thời gian qua còn gặp một bất cập lớn do quy định “quá nghiêm ngặt” của Nhật Bản so với nhiều quốc gia đối với ngưỡng chấp nhận của chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản.
Chia sẻ tại hội thảo bàn về việc thúc đẩy XK vào thị trường Nhật Bản do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) tổ chức vào ngày 26/8, bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), cho biết tiềm năng và dư địa cho Việt Nam tại Nhật Bản cho các sản phẩm nông lâm thủy sản còn rất lớn. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Nhật Bản cao và tăng trưởng mạnh những năm gần đây.
Theo bà Hà, Nhật Bản đang có nhu cầu cao về các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thực phẩm an toàn và hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp mà không thích hợp để trồng, canh tác tại Nhật Bản nhưng nhu cầu lớn và được nhận định sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới như cà phê, hạt điều, trái cây nhiệt đới, rau củ quả đông lạnh...Đây đều là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài ra, tại Nhật Bản số lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc là khoảng 500 ngàn người, chiếm 16% người nước ngoài, đông thứ 2 và được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy, như lưu ý của Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka, đây cũng là một lực lượng người tiêu dùng tiềm năng và đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam XK sang Nhật Bản.
Phải tăng năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng
Tuy vậy, như băn khoăn của bà Hà, một số hạn chế của các DN Việt khi XK vào thị trường Nhật là đôi khi chưa chuyên nghiệp, mô hình hoạt động hay quản lý, kiểm soát trong sản xuất và chất lượng sản phẩm thiếu sự ổn định.
Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức cho các nhà XK nông sản thực phẩm Việt cần phải “vượt rào” để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật. Nhất là cần lưu tâm đến đặc trưng nhu cầu thị trường Nhật Bản, những quy định khắt khe, tiêu chuẩn cao, tập quán tiêu dùng, xu hướng ưu tiên mục tiêu phát triển bền vững.
Thực ra, các lô hàng hợp tác lúc đầu dành cho doanh nghiệp XK nông sản thực phẩm Việt thường không lớn nhưng phía đối tác nhập khẩu từ Nhật Bản lại có yêu cầu đối tác cung cấp thông tin đầy đủ như: Website, tài liệu giới thiệu, quy trình sản xuất vắn tắt…
Tuy nhiên, một khi đã hợp tác thì đối tác nhập khẩu của Nhật thường lâu dài và tin cậy. Bởi lẽ, tập quán thương mại của các đối tác nhập khẩu Nhật Bản thường là thận trọng, kỹ càng, coi trọng uy tín.
Còn bàn về việc đưa hàng hóa nông sản thực phẩm vào chuỗi bán lẻ của Nhật Bản, bà Lưu Thủy Tiên, Trưởng phòng Quản lý Nhà Cung cấp của Aeon Việt Nam, cho biết các điều kiện cơ bản để thành nhà cung cấp cho chuỗi bán lẻ của Aeon (Nhật Bản) là không có điều tiếng về chất lượng sản phẩm (thay đổi hạn sử dụng sản phẩm, gian lận nguồn gốc xuất xứ, thổi phồng đặc tính sản phẩm), vi phạm an toàn thực phẩm (gây ngộ độc thực phẩm).
Bên cạnh đó, bà Tiên lưu ý các DN cần đầy đủ giấy phép và giấy chứng nhận, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và giới hạn an toàn (kiểm soát đối với nguồn ô nhiễm tiềm ẩn), đáp ứng giới hạn tồn dư (kiểm soát đối với các chất sử dụng có chủ đích), đáp ứng phương tiện vận chuyển và vật dụng chứa đựng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Về giải pháp hỗ trợ nhà cung cấp của Việt Nam, bà Tiên cho biết phía Aeon có chương trình đào tạo chuyên sâu cho như truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm sản phẩm, tự công bố và ghi nhãn sản phẩm, cung cấp giải pháp đào tạo giúp gia tăng năng lực về quản lý chất lượng của nhà cung cấp. Điều này nhằm đem đến chất lượng sản phẩm cao nhất, tốt nhất, an toàn và an tâm nhất, đáp ứng sự thỏa mãn của người mua.
Nói thêm về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn XK nông sản thực phẩm vào chuỗi bán lẻ của Nhật Bản, ông Fukui Tomoaki, Giám đốc cấp cao bộ phận Thương mại Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, nhấn mạnh bất cứ giai đoạn nào trong chuỗi cung ứng đều phải được sản xuất, chế biến, vận chuyển, sắp xếp, bảo quản trong trạng thái an toàn. Hơn nữa, chuỗi cung ứng cũng nhằm thúc đẩy, tăng năng lực cạnh tranh, tạo sự khác biệt trong chuỗi giá trị hàng thực phẩm.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, thị trường Nhật Bản có tốc độ thay đổi nhanh chóng về mẫu mã sản phẩm, vòng quay sản phẩm nhanh và ngắn. Do đó, thời gian tới, các DN xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt cần đẩy mạnh liên kết với các đối tác Nhật Bản điều tra sâu thị trường, phát triển những sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản.
Thế Vinh