Ở Tp.HCM, trong tháng 8 này đang thực hiện chương trình bán hàng lưu động - bình ổn thị trường tại 15 địa điểm (gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, công viên, địa điểm sinh hoạt văn hóa ở các quận, huyện nội và ngoại thành) với nhiều mặt hàng tiêu dùng có mức khuyến mãi sốc về giá lên đến 80%. Qua đó cũng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong bối cảnh sức mua yếu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nội địa.
Không để doanh nghiệp nội địa tuyệt vọng
Còn tại tỉnh Đồng Nai, dự kiến trong tháng 9 và tháng 10/2024 sẽ tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Các phiên chợ này nhằm hỗ trợ DN trong nước giới thiệu và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tăng thị phần trong nước, tăng cường công tác quảng bá hàng Việt.
Các DN Việt cần có chiến lược bán lẻ hiệu quả hơn nữa để vượt qua sức ép cạnh tranh từ “cơn bão” hàng nhập giá rẻ. |
Ghi nhận mới đây từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và một số hiệp hội ngành hàng cho thấy các địa phương phía Nam đang cố gắng tìm giải pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa cho hàng Việt trong các tháng cuối của năm 2024. Điều này cũng cần đặt trong bối cảnh tình hình khó khăn về đầu ra của các DN nội địa còn rất lớn, tồn kho nhiều.
Như tình hình DN tại Tp.HCM hồi quý 2/2024 vừa qua đã thể hiện số DN giảm doanh thu tăng vọt lên mức 30,4%, rồi lượng hàng tồn kho tăng lên 34%. Điều đó như chỉ rõ thị trường tiêu dùng chưa cải thiện nhiều, DN ngày càng khó tiêu thụ hàng hóa hơn trước và tình trạng thanh lọc thị trường đang diễn ra với những DN có vốn mỏng.
Nên biết thêm, trong khi việc tiêu thụ hàng Việt trở nên đầy thách thức và đang tìm nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng thì “làn sóng” hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam (điển hình là hàng nhập khẩu Trung Quốc giá rẻ đang ồ ạt tràn vào Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và đang được tiêu thụ một cách mạnh mẽ) vẫn là điều đáng lưu tâm.
Xét về tình hình nhập khẩu hiện nay, dữ liệu thống kê đã chỉ rõ Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta trong 7 tháng đầu của năm 2024 với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD, tăng tới 34,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Trước “cơn bão” nhập khẩu hàng giá rẻ và bán tràn lan trên thị trường nội địa như hiện tại (đặc biệt là qua kênh thương mại điện tử), khiến cho nhiều DN nội địa đối mặt tình cảnh cạnh tranh không kham nổi dẫn đến phá sản, rút lui khỏi thị trường, phải tuyệt vọng kêu cứu.
Giữa bối cảnh như vậy, các cơ quan quản lý và các DN nội địa nên có hướng đi nào để tạo sức sống cho hàng Việt, bảo vệ sản xuất trong nước và vượt qua sức ép về hàng nhập giá rẻ này?
Ở góc độ quản lý, để ổn định, phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về phòng vệ thương mại, hướng tới bảo vệ nền kinh tế, DN, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế và tích hợp công cụ phòng vệ vào các kế hoạch, chủ trương, chính sách để phát triển sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh triển khai Luật Cạnh tranh để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Mặt khác, sẽ tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.
Phải có chiến lược bán lẻ hiệu quả
Còn đứng ở góc độ chuyên gia thị trường tiêu dùng, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại Nielseniq, nhấn mạnh các DN Việt cần có chiến lược bán lẻ hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Nhất là cần chọn đúng điểm bán, đúng sản phẩm, đúng mức giá, đúng hình thức trưng bày, và đúng hoạt động kích cầu.
Đơn cử như việc bán đúng mức giá. Theo bà Dung, việc lập chiến lược khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày, dựa trên thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu, sẽ giúp các DN thu hút được nhiều khách hàng hơn.
“Lập chiến lược khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày bằng thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu là chìa khóa để cạnh tranh và thu hút khách hàng” bà Dung nói.
Hay như việc xác định đúng điểm bán là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho hàng Việt. Các DN nội địa cần tập trung vào các khu vực có lượng người tiêu dùng tập trung cao nhất. Điều này đòi hỏi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng và liên tục cập nhật thông tin về các “khu vực vàng” và cửa hàng tiềm năng.
Bà Dung nhấn mạnh: “Xác định các 'khu vực vàng' và cửa hàng có lượng người tiêu dùng tập trung cao nhất sẽ giúp DN tối ưu hóa doanh thu và tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu hơn”.
Còn về mặt giao hàng, ông Phạm Hồng Sơn, chuyên gia về thương mại điện tử và chuyển đổi số, có lời khuyên cho hệ thống phân phối của các DN Việt cần chú ý vấn đề chi phí giao hàng trong 24 tiếng hay mấy ngày. Bởi vì chi phí rất khác nhau, nếu DN không định vị được chất lượng giao hàng với khách hàng thì sẽ mất uy tín thương hiệu.
Mặt khác, để không thất thế trên thị trường “sân nhà”, theo ông Sơn, các DN Việt cần phát triển đồng bộ nhiều kênh bán hàng. Các DN cần đầu tư vào cửa hàng tạp hóa, siêu thị, sàn thương mại điện tử và chương trình khuyến mãi. Sự thành công của các kênh này đòi hỏi một chiến lược tổng thể và linh hoạt, nhằm tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, không phụ thuộc vào một kênh bán hàng duy nhất.
Riêng với kinh nghiệm để trụ vững trên kênh thương mại điện tử, ông Phạm Duy Hưng, Giám đốc Chính sách Công, Amazon Global Selling Vietnam, cho rằng điều mà các DN Việt cần để tâm là nên bán những sản phẩm mà khách hàng cần, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, cũng như tập trung xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để tiến tới một nền tảng kinh doanh lâu dài.
Thế Vinh