Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân, HTX và được biểu hiện bằng chữ cái, hình ảnh, từ ngữ hoặc kết hợp giữa các yếu tố này. Đối với doanh nghiệp, việc đăng ký nhãn hiệu ở trong và ngoài nước giống như tấm giấy khai sinh để có thể hoàn thiện nhiều thủ tục trong xuất nhập khẩu cũng như để phân biệt hàng hóa của mình với doanh nghiệp khác, tránh vấn đề hàng giả hàng nhái…
Doanh nghiệp nước ngoài âm thầm đăng ký "hộ"
Bên cạnh một số doanh nghiệp, hiện đã có một số HTX làm rất tốt việc đăng ký nhãn hiệu (nhãn hiệu tập thể) như thanh long chợ Gạo (Tiền Giang), làng nón truyền thống Mỹ Lam (Thừa Thiên Huế), chè xanh Hồng Lộc (Hà Tĩnh). Khi nhãn hiệu tập thể được đăng ký thì chỉ những người là thành viên trong HTX được sử dụng nhãn hiệu này.
Tuy nhiên, đó chỉ là số nhỏ bởi trên thực tế, không ít doanh nghiệp Việt đã bị mất hoàn toàn nhãn hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Chằng hạn như nhãn hiệu bánh mì Huỳnh Hoa ở Việt Nam hiện đã bị một doanh nghiệp ở Úc là Posh Lifestyle Pte Pty đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu. Công ty này đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho bánh mỳ Huỳnh Hoa ở nhóm 43 - nhóm lĩnh vực nhà hàng.
Hay có doanh nghiệp Việt cũng đang phải đau đầu trong việc đòi lại nhãn hiệu ở nước ngoài, như Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam với nhãn hiệu Vifon. Hiện, nhãn hiệu này đã bị một công ty ở Úc là L&T Trading đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nhóm 30 - liên quan tới ngũ cốc, bún, nước mắm…
Đây chỉ là hai nhãn hiệu khá quen thuộc với người Việt nhưng trên thực tế khi ở Úc thì lại thuộc về những doanh nghiệp - chủ sở hữu không phải là người Việt Nam.
Bánh mì Huỳnh Hoa nổi tiếng ở Việt Nam nhưng hiện đã bị doanh nghiệp ở Úc đăng ký nhãn hiệu "hộ". |
Vậy, câu hỏi đặt ra là một trong những nhãn hiệu rất Việt Nam nhưng lại bị doanh nghiệp nước ngoài “hỗ trợ” đăng ký thì các ông chủ của các nhãn hiệu trên sẽ phải chịu những thiệt thòi nào?
Tại buổi tọa đàm về “Bảo vệ thương hiệu trong và ngoài nước: những điều cần biết”, bà Ngân Trần, Giám đốc May Gust trademark attorneys chuyên bảo hộ nhãn hiệu tại Úc và New ZeaLand cho biết, trong tình huống trên, nếu doanh nghiệp, mà cụ thể là Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam chưa từng xuất khẩu nhưng hiện lại muốn xuất khẩu sản phẩm bằng nhãn hiệu Vifon vào Úc sẽ không được chấp nhận mà phải thay đổi nhãn hiệu khác.
Còn nếu doanh nghiệp này đang thực hiện hoạt động xuất khẩu vào Úc thì doanh nghiệp là chủ nhãn hiệu Vifon ở Úc có quyền yêu cầu hải quan của nước này ngăn chặn hàng hóa lại vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đó là chưa kể đến việc nhiều đơn vị sẽ lợi dụng tình hình này để sản xuất sản phẩm nhái nhãn hiệu Vifon làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Đó là đối với thị trường xuất khẩu. Còn ở trong nước, nếu doanh nghiệp chưa đăng ký nhãn hiệu thì sẽ luôn trong tình trạng lo lắng rằng không biết có doanh nghiệp khác đăng ký cùng nhãn hiệu đối với doanh nghiệp mình hay không. Nếu có thì phải đổi tên nhãn hiệu khác, gây rất nhiều bất cập và tốn kém, thậm chí là bị kiện khi có bằng chứng cụ thể.
Cần sự chủ động
Theo chia sẻ của đại diện HTX thanh niên Thiện Trung (Tiền Giang), hiện HTX đã đăng ký nhãn hiệu Đặc sản mứt khóm Minh Tiến. Tuy nhiên, khó khăn là khi đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam rồi sẽ không được bảo hộ ở nước ngoài vì phải tuân thủ theo nguyên tắc lãnh thổ. Điều này gây khó khăn cho HTX vì quá trình đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài rất phức tạp và tốn nhiều chi phí.
Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết, hiện đã có hệ thống đăng ký nhãn hiệu điện tử quốc tế là Madrid (123 quốc gia) thì doanh nghiệp chỉ cần nộp đơn, sau đó nộp chi phí hành chính và kích vào các nước muốn đăng ký nhãn hiệu. Nhưng nhược điểm của việc đăng ký nhãn hiệu theo hình thức này là tuân thủ theo nguyên tắc tấn công trung tâm. Tức là nhãn hiệu mà doanh nghiệp đăng ký ở Việt Nam phải có thời gian 5 năm để tránh tình trạng bị doanh nghiệp nước ngoài phản đối. Nếu có doanh nghiệp nước ngoài kiện cáo thì đơn đăng ký quốc tế sẽ phải chuyển sang đơn đăng ký ở từng quốc gia khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí và mất thêm thời gian.
Còn đối với trường hợp đăng ký nhãn hiệu trực tiếp ở từng quốc gia có ưu điểm là các doanh nghiệp đại diện sẽ theo sát từng bước đi của doanh nghiệp để hỗ trợ, nhưng nhược điểm vẫn là chi phí.
“Doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ở 10 nước thì phải tốn chi phí hành chính và chi phí cho doanh nghiệp đại diện ở nước ngoài và giá sẽ tính theo giá quốc tế, nên đối với nhiều doanh nghiệp đó là vấn đề không đơn giản”, bà Trần Thị Dung, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống cho biết.
Nhãn hiệu Phở Thìn của ông Nguyễn Trọng Thìn hiện cũng gặp khó khăn ở nước ngoài. |
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, các HTX, doanh nghiệp nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia ở Việt Nam để phù hợp với ngân sách và có sự tương đồng về pháp luật. Bên cạnh đó, nếu công ty có tiềm lực về tài chính thì nên đăng ký nhãn hiệu theo hình thức chữ riêng, biểu tượng riêng và làm thêm một hồ sơ nữa là có sự kết hợp giữa cả chữ và biểu tượng. Còn nếu hạn chế về kinh phí, doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký nhãn hiệu đơn giản là kiểu chữ.
“Nhãn hiệu Gạo ST25 Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí hiện được thiết kế lại gồm chữ là Gạo ông Cua Việt Nam ST25 cùng hình ảnh bông lúa và gương mặt của chính ông Hồ Quang Trí. Điều này thể hiện sự đầu tư của đơn vị trong việc đăng ký và phát triển nhãn hiệu”, bà Ngân Trần chia sẻ.
Bà Trần Thị Dung cho biết, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký nhãn hiệu bằng chữ chân phương (chưa cách điệu) và có màu đen trắng để sau này dễ sửa đổi, cách điệu theo sự phát triển của thị trường cũng như khi có sự phản đối và cần thay đổi.
Trên thực thế, thời gian đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài ít nhất là 7-8 tháng, còn ở Việt Nam thì thời gian là 1 năm, thậm chí 2-3 năm nếu xảy ra trường hợp phản đối và kiện tụng. Trong thời gian này, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có thể đi đăng ký bản quyền để bảo đảm đó là sản phẩm của mình làm ra. Nếu trong quá trình xảy ra tranh chấp, kiện tụng, doanh nghiệp có thể lấy đó làm bằng chứng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải có ý thức để đăng ký nhãn hiệu một cách kịp thời. Bởi sự việc nhãn tiền của nhiều doanh nghiệp Việt đã bị các công ty nước ngoài “nẫng” tay trên trong việc đăng ký nhãn hiệu và phải trải qua quá trình dài để phản đối, kiện tụng...
“Chằng hạn như Phở Thìn, Phở Thìn 13, Phở Thìn 13 Lò Đúc since 1979 hiện đều bị một doanh nghiệp ở Úc là Posh Lifestyle âm thầm đăng ký nên ông Nguyễn Trọng Thìn, chủ nhãn hiệu Phở Thìn ở Việt Nam phải vất vả phản đối từ năm 2000 đến nay vẫn chưa thành công”, bà Ngân Trần cho biết
Như Yến