Sáng 24/9, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cùng Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT khởi động Dự án Thúc đẩy Cải cách và Nâng cao Năng lực Kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (USAID LinkSME).
Với kinh phí 22,1 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm, dự án USAID LinkSME sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
![]() |
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại lễ khởi động dự án USAID LinkSME |
Kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với những doanh nghiệp hàng đầu sẽ thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hỗ trợ mục tiêu của USAID Việt Nam là giúp mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong nhiều năm trở lại đây, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong 3 năm gần đây; riêng trong 8 tháng đầu năm 2019, đạt 48 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm2018. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3%, nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9%.
Tạp chí US News &World Report vừa xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, tăng 15 bậc từ vị trí xếp thứ 23 năm 2018 (cao hơn cả Chile (9/80) và New Zealand (10/80).
"Việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam theo dự án LinkSME sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững và khả năng thoát khỏi bẫy các nước có thu nhập trung bình của Việt Nam trong những thập niên tới", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết cả nước có hơn 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 97% có quy mô nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, do quy mô nhỏ nên doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ bé cả về lượng và chất. Đặc biệt, mối liên kết của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn còn nhiều hạn chế.
Hiện tại, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Đây cũng là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ cũng rất trăn trở và cũng đặt ra bài toán tại Diễn đàn VRDF 2019 vừa qua: làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực chủ động tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch lên nấc thang cao với giá trị gia tăng cao hơn.
Lê Thúy