Chiều 28/6, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính và công tác đánh giá cải cách hành chính của Bộ.
![]() |
Ngành nông nghiệp phải bắt đúng nguyên nhân để cải cách hành chính, chứ điều trị triệu chứng "không ăn thua". |
Ông Nguyễn Xuân Ân, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) cho biết, kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ NN&PTNT năm 2020 có tổng điểm đạt 86,04/87,56 (giá trị trung bình), trong đó điểm thẩm định đạt 58,31/66,5 (đạt 87,7%) và điểm điều tra xã hội học đạt 27,73/33,5 (đạt 82,77%). So sánh kết quả giữa năm 2019 và năm 2020 (-2,19%) bị giảm 5 bậc (năm 2019 xếp nhóm một đứng thứ 4/17 Bộ, ngành).
Kết quả các chỉ số thành phần năm 2020 theo từng lĩnh vực cho thấy, có 3/7 chỉ số thành phần trên mức giá trị trung bình, đó là các chỉ số thành phần gồm: “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính”; “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức” và “Cải cách tài chính công”. Tuy nhiên, có 4/7 chỉ số thành phần dưới mức giá trị trung bình: “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”; “Cải cách thủ tục hành chính”; “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước”; “Hiện đại hóa hành chính”.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Theo đó, nhìn chung chỉ số cải cách hành chính của Bộ NN&PTNT năm 2020 đạt thấp hơn 2 năm trước (2018, 2019), đồng thời chỉ số cải cách hành chính của các Bộ khác được cải thiện rõ rệt, do vậy Bộ NN&PTNT đã bị “tụt hạng” từ thứ 4 xuống thứ 9/17 Bộ ngành.
Trong đó, chỉ số cải cách hành chính lĩnh vực “cải cách thủ tục hành chính” của Bộ đạt thấp, xếp thứ 16/17 Bộ (thấp nhất về thứ hạng trong 7 lĩnh vực đánh giá), hầu hết các lĩnh vực còn lại xếp thứ hạng ở khoảng giữa của 17 Bộ, ngành.
Đồng thời, kết quả điều tra xã hội học của một số lĩnh vực đánh giá cải cách hành chính của Bộ NN&PTNT (do Bộ Nội vụ và Tổng công ty Bưu điện thực hiện lấy Phiếu điều tra xã hội học) năm 2020 cũng bị mất điểm tại các tiêu chí, tiêu chí thành phần đã ảnh hưởng đến kết quả chung chỉ số cải cách của Bộ năm 2020.
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT nhận định, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính nhưng không lấy ý kiến của Văn phòng Bộ nên có một số quy định về thủ tục hành chính không phù hợp, dẫn đến áp dụng trong một số thời điểm, một số trường hợp dẫn đến khiếu kiện.
Một số quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành chưa được cải cách triệt để dẫn đến có những phản ánh từ phía doanh nghiệp. Nhiều thủ tục hành chính chưa được theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả trên môi trường điện tử do một số đơn vị chưa thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính trên Hệ thống Một cửa điện tử của Bộ. Hiện nay, mới có 7/10 đơn vị thực hiện, còn Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y chưa thực hiện, Cục Trồng trọt chỉ mới tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống. Số lượng thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 còn ít (50/241). Trong đó, 24 thủ tục hành chính chạy trên Một cửa quốc gia; 26 thủ tục hành chính chạy trên Cổng dịch vụ công của Bộ.
Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục rà soát, phân tích và đánh giá rút kinh nghiệm về triển khai thực hiện về kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2020 theo từng lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, có biện pháp khắc phục kịp thời để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính của Bộ và các đơn vị năm 2021 và các năm tiếp theo.
Các đơn vị tập trung rà soát các nội dung, nhiệm vụ kế hoạch cải cách hành chính của Bộ và đơn vị đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, kịp thời điều chỉnh bổ sung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ để kịp thời triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, bám sát các yêu cầu quy định tiêu chí, tiêu chí thành phần theo Bộ Chỉ số cải cách hành chính đã quy định...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phải bắt đúng nguyên nhân để cải cách hành chính, chứ điều trị triệu chứng thì "không ăn thua". Ngành nông nghiệp với hệ sinh thái gần 10 triệu hộ nông dân gắn với khu vực hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu và độ mở lớn, trước diễn biến dịch COVID-19 thì ngành nông nghiệp phải vận dụng sáng tạo, đơn giản các thủ tục hành chính chứ không phải "trói người ta lại".
Thy Lê