Bộ Công Thương vừa chính thức phát động chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023”, dự kiến diễn ra từ ngày 4/12/2023 đến ngày 10/1/2024 trên phạm vi toàn quốc, theo đó trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp (DN) có thể thực hiện triển khai chương trình khuyến mại lên tới 100%.
Chặn khuyến mại ảo
Tổng công ty Cổ Phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, sẽ tham gia chương trình trên với mong muốn người tiêu dùng có thể tiết kiệm tiêu dùng với việc mua sắm hàng hóa có giá cả hợp lý. “Tôi tin rằng không chỉ Sabeco mà các doanh nghiệp khác hoàn toàn ủng hộ, mong muốn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, thông qua các chương trình khuyến mại trên các nền tảng, hội chợ trên toàn quốc”, đại diện Sabeco cho biết.
Các chương trình giảm giá cuối năm được kỳ vọng sẽ kích cầu thị trường trong nước. |
Theo đó, Sabeco đã đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mại đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới như “Tết Rồng, Xuân bội lộc” với các chương trình may mắn như 64 lì xì có vàng rồng thật trong các bao bì sản phẩm; hay tung ra thị trường các sản phẩm có giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng… giúp tạo dựng thương hiệu trong mùa Tết.
Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình Online Friday 2023 với nhiều sản phẩm giá từ 1.000 đồng đến vài nghìn đồng. Bà Nguyễn Giang Hương Ly, Giám đốc phát triển thương hiệu Deli Việt Nam cho biết, ngày bình thường DN chỉ livestream bán hàng 4 giờ một ngày. Nhưng trong 3 ngày khuyến mại cao điểm của Chương trình OnlineFriday, hãng Deli Việt Nam đã huy động hết nhân lực tăng lên thành 10 giờ livestream mỗi ngày. Đó cũng là thời gian khuyến mại khủng nhất của hãng. Tổng giá trị voucher lên đến 100 triệu, cùng với 3.000 - 4.000 phần quà đi theo mỗi đơn hàng. Lượng đơn đặt hàng tăng gấp 10 lần so với những ngày sale thông thường.
Cùng với đó, nhiều DN cũng đưa ra những chương trình khuyến mại siêu ưu đãi trong dịp cuối năm. Tuy vậy, để kích cầu tiêu dùng, một trong những vấn đề cần đặt ra là phải ngăn chặn tình trạng khuyến mại ảo, tức là đẩy giá bán lên rồi mới thực hiện giảm giá.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2022, chương trình khuyến mại đã giúp tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng trong nước trong tháng 11, 12. Vì vậy, năm nay, Bộ Công Thương kỳ vọng hiệu quả tác động của chương trình sẽ tiếp tục được phát huy.
Tuy vậy, các DN tham gia chương trình khuyến mại phải công khai giá hàng hóa trước đó, làm rõ giá khuyến mại bao nhiêu. Từ báo cáo này, cơ quan quản lý thực hiện nghĩa vụ giám sát. Người tiêu dùng nếu phát hiện không công khai minh bạch cũng có quyền phản ánh tới cơ quan nhà nước qua kênh tiếp cận thông tin, nhằm đảm bảo quyền lợi.
Làm sao để người dân có tiền mua sắm?
Vừa qua để kích cầu nội địa, Thủ tướng Thái Lan đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới, trong đó chính sách mới nổi bật của nước này là tất cả công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ được nhận 10.000 baht/người, tức gần 7 triệu đồng. Chính sách này kỳ vọng giúp người Thái tăng chi tiêu, qua đó kích cầu tiêu dùng.
Quay trở lại câu chuyện ở thị trường Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, các chương trình kích cầu tiêu dùng được tổ chức ra nhưng cũng phải có các chính sách hỗ trợ để nâng cao thu nhập, hay nói cách khác là làm sao để người dân có tiền mua sắm.
Mới đây, Quốc hội đã đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng thêm 6 tháng (đến ngày 30/6/2024). Tuy vậy, nhiều chuyên gia, DN kỳ vọng, Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu thêm chính sách giảm thuế thu nhập DN để tăng thu nhập thực tế của người dân, qua đó gián tiếp kích cầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hoạt động kích cầu tiêu dùng bên cạnh đẩy mạnh thông qua các phong trào như khuyến khích “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, chương trình xúc tiến thương mại... thì một trong những yếu tố quan trọng là sự phục hồi của DN, là niềm tin của người dân về triển vọng kinh tế.
Thời gian vừa qua, cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thị trường, vốn, pháp lý, thủ tục hành chính… Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN nhưng tác động chưa được nhiều. Cùng với đó, nếu người dân lo ngại kinh tế xấu đi, họ tiết giảm chi tiêu. Vì vậy, giải pháp kích cầu là làm sao giá thành giảm xuống, đồng thời làm cho thị trường sôi động thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), cho biết quan điểm cá nhân ông là nên giảm thuế VAT với tất cả các mặt hàng để kích cầu tiêu dùng mạnh hơn. “Chúng ta 2 lần giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% nhưng chỉ áp dụng một số ngành, lĩnh vực, loại trừ ngân hàng, viễn thông, bất động sản, công nghệ thông tin… ", vị này nói.
Thêm vào đó, muốn kích cầu tiêu dùng cần giảm khâu trung gian, từ đó kéo giảm giá hàng hóa, thu hút thêm nhiều người tiêu dùng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ, sự nỗ lực của DN đa dạng thị trường cũng rất quan trọng. Ông Phụng đánh giá, thị trường nội địa có quy mô hơn 100 triệu dân là rất lớn, cần xác định đây là bà đỡ cho DN lúc khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dẫn số liệu cho thấy tính đến cuối tháng 10/2023, tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 12,8 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 7,39%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm vừa qua.
Mặc dù có nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm chia sẻ khó khăn như cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, cho vay mới song nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp trong khi chi phí đầu vào tăng cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của DN suy giảm kéo theo nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm. Nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút.
Do vậy, ông Hùng cho rằng tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.
Ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương Tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt… Ngay tại Việt Nam, nền kinh tế phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài. Do vậy, các chương trình khuyến mại cuối năm được đánh giá có vai trò quan trọng trong kích cầu tiêu dùng, đa dạng hình thức mua hàng và đặc biệt giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang phục hồi tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế. TS. Nguyễn Đình Cung Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Tiêu dùng dù được xem là động lực tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần phải xử lý. Trong tiêu dùng, bán lẻ là chủ yếu nhưng lại đang có xu hướng suy giảm. Mấy tháng đầu năm, bán lẻ tăng trưởng 15-17% nhưng gần đây mức tăng giảm xuống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng tôi hy vọng sẽ kéo dài tới 2025 để tạo ra một niềm hứng khởi, tạo luồng gió thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn. Bà Trần Phương Lan Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Việc tổ chức các chương trình khuyến mại cuối năm là giải pháp thiết thực, kịp thời để các địa phương, hiệp hội, DN hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường trong bối cảnh cả nước đang khắc phục suy thoái kinh tế, tăng trưởng kích cầu. TP. Hà Nội cũng triển khai chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 như ngày hội khuyến mại thời trang và làm đẹp, tháng khuyến mại, hàng điện tử khuyến mại… thu hút đông đảo người dân tham gia, giá trị khuyến mại từ 5-75%, nhận được sự hưởng ứng đông đảo của DN, người tiêu dùng Thủ đô. |
Nhật Linh