Tổng giám đốc một công ty chuyên về đầu tư phát triển khu công nghiệp (KCN) ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho rằng, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ Mỹ và EU, hiện đang đòi hỏi rất cao khi rót vốn vào Việt Nam, nhất là chất lượng hạ tầng, vị trí và dịch vụ đi kèm.
Thiếu nguồn cung tại trung tâm công nghiệp
Để chuẩn bị cơ sở vật chất đón dòng vốn FDI ngày càng chất lượng hơn, vị tổng giám đốc này cho biết công ty đang tiếp tục mở rộng thêm các KCN mới để đón thêm “đại bàng”, hướng tới các tiêu chuẩn bền vững. Thế nhưng, việc mở rộng các KCN là thách thức lớn trong lúc này khi thiếu hụt quỹ đất ở những vị trí quan trọng.
Việc phát triển KCN trong thời gian tới vẫn sẽ gặp phải một số khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nguồn cung tại các vị trí trung tâm công nghiệp. |
Ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ghi nhận hiện nay cho thấy xu hướng dịch chuyển các KCN ra các tỉnh, thành vệ tinh của Tp.HCM vẫn tiếp tục tiếp diễn, nhất là ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước…Tuy nhiên, việc thiếu quỹ đất công nghiệp lại là rào cản lớn để thu hút dòng vốn FDI.
Như tại Đồng Nai có tổng cộng 32 KCN được thành lập với tổng diện tích hơn 10,2 ngàn ha. Các KCN đã cho thuê được hơn 6 ngàn ha trong tổng số hơn 7 ngàn ha đất mặt bằng sản xuất. Hiện quỹ đất có thể cho thuê không còn nhiều nên ảnh hưởng đến việc nhà đầu tư FDI lựa chọn ngành nghề đầu tư.
Theo đánh giá từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BSC vào tháng 5/2023, việc phát triển KCN vẫn sẽ gặp phải một số khó khăn. Nhất là tình trạng thiếu nguồn cung tại các vị trí trung tâm công nghiệp, giá cho thuê duy trì ở mức cao trong bối cảnh nhu cầu thuê mạnh mẽ.
Chuyên gia phân tích của BSC lưu ý trong ngắn hạn nguồn cung KCN vẫn còn hạn chế do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ quy hoạch còn chậm ở các địa phương.
Còn theo CBRE, trong quý 1/2023, giá thuê đất tại các KCN vẫn tiếp tục xu hướng tăng, trung bình đạt 172.8 USD/m2/kỳ hạn thuê (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022) đối với khu vực miền Nam và 122.9 USD/m2/kỳ hạn thuê (tăng 2%) đối với khu vực miền Bắc.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của những doanh nghiệp (DN) chuyên về đầu tư KCN và phát triển hạ tầng KCN cũng đang gặp không ít khó khăn. Đơn cử như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) trong báo cáo tài chính quý 1/2023 được công bố hồi tháng 5/2023 cho thấy dòng tiền kinh doanh của công ty ghi nhận mức thâm hụt lớn nhất kể từ quý I/2019, đã âm trên 1.000 tỷ đồng, chạm đáy trong 4 năm trở lại đây.
Không chỉ với DN nêu trên, kết quả kinh doanh của nhiều công ty chuyên về cho thuê đất trong KCN có sự suy giảm 2 chữ số trong các tháng đầu năm nay do doanh thu ghi nhận một lần các hợp đồng cho thuê giảm so với cùng kỳ.
Ngay cả kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 của những DN trong mảng này cũng có sự phân hóa giữa các DN, đa phần vẫn thận trọng hơn với mức tăng trưởng thấp và thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước.
Chờ những thay đổi cần thiết
Ngoài vấn đề về thế khó của những DN là chủ đầu tư của các KCN, cũng cần lưu tâm đến mối lo thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, dù cho 5 tháng đầu năm 2023, dòng vốn vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới là 5,26 tỷ USD (tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước).
Nhóm chuyên gia của Đại học RMIT gồm Ts. Hà Thị Cẩm Vân và Ts. Daniel Borer nhận định thách thức trước mắt trong việc thu hút dòng vốn FDI là các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Đây là hiện tượng mới khởi nguồn từ đại dịch và được gọi là “đầu tư lân cận” (nearshoring).
Theo đó, nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập DN và ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài. Điều này làm tăng thêm thách thức cho Việt Nam trong việc thu hút FDI.
Không những thế, các chuyên gia này cho rằng trong khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia với nguồn lực tốt hơn đã tăng cường thu hút FDI bằng cách giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang trở thành điểm đến kém hấp dẫn hơn trước.
“Thu hút FDI đơn thuần thông qua lao động giá rẻ không phải là giải pháp cho FDI chất lượng mà Chính phủ tuyên bố sẽ thu hút trong chiến lược 2018-2023. Thay vào đó, sự hấp dẫn cần phải dựa trên các khía cạnh khác chứ không đơn thuần là mức tiền công thấp nữa”, chuyên gia của RMIT nói rõ.
Nhìn vào tình hình thiếu quỹ đất KCN tại các vị trí quan trọng như hiện nay, giới chuyên gia bày tỏ mong muốn môi trường pháp lý cần rõ ràng và hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng kỳ vọng của các DN là rút ngắn được thủ tục hành chính, phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành và UBND ở các địa phương.
Hơn thế nữa, như chia sẻ của Ts. Daniel Borer, một trong những thay đổi cần thiết cho Việt Nam để thu hút dòng vốn FDI là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm tham nhũng. Điều này sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, và có thể thực hiện được thông qua việc triển khai tăng cường số hóa và nâng cao tính minh bạch.
Theo ông Borer, Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chính sách và thực tiễn đầu tư. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định rõ ràng và nhất quán, và thực thi chúng một cách công bằng và đồng nhất.
Thế Vinh