Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam vào tháng 1/2022 vừa được IHS Markit công bố lên tới 53,7 điểm. Nếu so với mức đạt được hồi tháng 12/2021 là 52,5 điểm thì rõ ràng có sự cải thiện mạnh và với mức độ đáng kể nhất trong 9 tháng trở lại đây.
Những tín hiệu lạc quan
Theo đó, trong tháng đầu của năm nay, khi nhu cầu của khách hàng tiếp tục cải thiện thì sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh hơn. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới được hỗ trợ khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tiếp tục tăng.
![]() |
Chỉ số PMI cải thiện mạnh, cùng sức tăng đều trong thu hút đầu tư nước ngoài vào tháng 1 là những tín hiệu lạc quan cho việc hút dòng vốn ngoại trong năm nay. |
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận định, các nhà sản xuất Việt Nam đã có bước khởi đầu tích cực cho năm 2022. Các công ty cũng ngày càng tự tin về triển vọng trong năm nay.
Với tín hiệu lạc quan từ chỉ số PMI trong tháng đầu của năm 2022 như vậy, giới phân tích cho rằng “đầu đã xuôi thì đuôi ắt sẽ lọt”, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và hoạt động xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng trong năm nay.
Điển hình là số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tháng 1/2022 cho thấy, tính đến ngày 20/1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8%.
Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), hơn một nửa (58%) lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) châu Âu hiện đang dự đoán sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong quý I/2022, tăng 8 điểm so với kỳ trước.
Kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) từ Eurocham đã thể hiện rõ việc lãnh đạo các DN châu Âu tại Việt Nam cũng tin tưởng hơn về triển vọng phát triển DN trong thời kỳ “bình thường mới” này.
Theo đó, có 43% DN châu Âu có kế hoạch tăng đầu tư vào quý đầu tiên của năm 2022, so với chỉ 17% vào 3 tháng trước. Tương tự, hơn một phần ba (38,5%) dự định tăng số lượng nhân viên của họ - tăng khoảng 15% so với kỳ trước.
Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam cho biết, qua dữ liệu khảo sát các DN châu Âu cho thấy sự tự tin và lạc quan đang trở lại khi các công ty được phép hoạt động bình thường. Các DN châu Âu đang có kế hoạch tăng nguồn nhân lực, kế hoạch đầu tư và doanh thu do hiện tại đại dịch đã được kiểm soát.
Các FTA giúp tăng sức hút
Về phía các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, theo dữ liệu khảo sát mới công bố của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam, tỷ lệ các DN Nhật có dự định mở rộng đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trong 1 - 2 năm tới là 55,3%, đứng đầu ở khu vực ASEAN.
Điều này được cho là vì so với các quốc gia ASEAN khác, Việt Nam có lợi thế môi trường đầu tư, khả năng thị trường/tiềm năng phát triển, tình hình chính trị, xã hội ổn định, chất lượng nhân viên cao.
Như trong ngành chế tạo tại Việt Nam, các DN Nhật trả lời “Mở rộng” là 51,7% (tăng 4,6 điểm so với năm 2021). Ngành phi chế tạo là 58,7% (tăng 12,1 điểm). Đặc biệt là các DN lớn trong ngành phi chế tạo có mong muốn mạnh mẽ về việc mở rộng.
Không chỉ vậy, trong số các công ty (164 công ty) Nhật Bản tại Việt Nam trả lời sẽ mở rộng việc thu mua trong 1 - 3 năm tới có 86% (tăng 1,7 điểm so với năm trước) dự kiến sẽ mở rộng thu mua tại chỗ.
Báo cáo của Jetro cũng thể hiện rõ tỷ lệ sử dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay các hiệp định đối tác thương mại (EPA) của các DN Nhật Bản tại Việt Nam là 59,7% (tăng 1,3 điểm so với năm trước). Tỷ lệ sử dụng tăng dần qua từng năm. Các DN Nhật Bản tại Việt Nam thường sử dụng FTA/EPA với Nhật Bản và các nước ASEAN, một nửa là sử dụng FTA đối với xuất nhập khẩu với EU.
Giới phân tích cho rằng, thương mại Việt Nam dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng vào thời điểm này cho thấy đang trên đà phục hồi và phát triển tốt về cả chất lượng lẫn số lượng. Điều đó cần ghi nhận về vai trò quan trọng của các doanh nghiệp FDI.
Đặc biệt, các FTA mà Việt Nam tham gia đã và đang góp phần lớn cho việc thu hút dòng vốn ngoại. Chẳng hạn, các hiệp định ký kết về tự do thương mại Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc đã thu hút hàng tỷ USD từ các DN 2 nước này vào Việt Nam trong 10 năm gần đây.
Chính vì vậy, với các FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới nhất là Hiệp định EVFTA (2020), rồi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm 2022, và sự thăng hoa trong thương mại song phương Việt Nam - Mỹ, chắc chắn dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam trong năm 2022 này và các năm tới được kỳ vọng sẽ ngày càng đa dạng hoá và chất lượng cao hơn nữa.
Thế Vinh