Tuần vừa qua, dư luận trong nước hoang mang trước thông tin ai là chủ nhân của gạo ngon nhất thế giới. Ngày 30/11, gạo Việt Nam được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới 2023” tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Hội nghị lúa gạo quốc tế lần thứ 15 năm 2023 do The Rice Trader tổ chức.
Lùm xùm cuộc thi gạo ngon
Ngay sau thông tin trên, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về câu hỏi “ai là chủ nhân” thực sự của danh hiệu trên, bởi tham dự cuộc thi trên có 3 doanh nghiệp Việt Nam với 6 loại gạo dự thi. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi với gạo ST24 và ST25, tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn Thái Bình Seeds dự thi gạo TBR39-1 và nếp A Sào.
Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số nước, nhưng cho đến nay chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng |
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, gạo Việt Nam trở thành gạo ngon nhất thế giới, gạo Campuchia xếp thứ 2, gạo Ấn Độ xếp vị trí thứ 3.
Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, theo điều lệ của cuộc thi ban tổ chức sẽ không trao giải cụ thể cho một giống lúa của một đơn vị nào mà trao giải cho quốc gia. Trong 3 nước tham gia, gạo Việt Nam được giải nhất của cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm nay.
Tuy vậy, trước những lùm xùm tranh cãi ở Việt Nam xem ai là chủ nhân của gạo ngon nhất thế giới, ban tổ chức cuộc thi đã phải công bố "gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023", thông tin được đưa ra vào ngày 5/12.
Theo Ban tổ chức cuộc thi này, dự kiến ban tổ chức sẽ công bố kết quả gạo đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2023 sau 6 tháng nữa, nhưng do có những tranh cãi từ phía Việt Nam nên buộc ban tổ chức phải công bố sớm hơn dự kiến.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra lùm xùm về chủ nhân của gạo ngon nhất thế giới. Năm 2019, lễ công bố giải gạo ngon nhất thế giới của The Rice Trader cũng xảy ra lùm xùm khi thông tin không thống nhất về loại gạo ngon nhất là ST24 hay ST25. Sau đó, ST25 được ban tổ chức công bố là gạo ngon nhất thế giới.
Năm 2022, tại cuộc thi Gạo ngon Việt Nam cũng xảy ra lùm xùm khi "cha đẻ" ST25 và giống ST24 nghi ngờ và đề nghị đánh giá lại nguồn gạo của các đơn vị sử dụng để dự thi xem có việc sử dụng loại gạo của người khác đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ để đem đi thi hay không.
Gạo Thái tiến những bước xa về thương hiệu
Trong khi Việt Nam vẫn tranh cãi xem doanh nghiệp trong nước ai là chủ nhân của gạo ngon nhất Việt Nam, hay gạo ngon thế giới, thì Thái Lan đã có bước tiến dài về phát triển thương hiệu gạo. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT mới đây, từ thương hiệu quốc gia "Thailand - Kitchen of the world" với mong muốn Thái Lan trở thành Gian Bếp của thế giới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thực phẩm của nước này đang ở con số rất ấn tượng 10%/năm.
Hiện tại, thực phẩm Thái Lan đang được đánh giá là xếp thứ 4 (sau Italia, Pháp và Trung Quốc) về mức độ nhận biết đối với thực khách trên thế giới, điều này cũng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy ngành du lịch và thương mại ở quốc gia này.
Với sản phẩm cụ thể, Thái Lan đã thành công trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng của họ. Thương hiệu THAI’S RICE là thương hiệu quốc gia của Thái Lan được dùng cho nhiều sản phẩm như: Thai Hom Mali, Thai Pathumthani (là 2 loại sản phẩm trong thương hiệu quốc gia về gạo).
“Thương hiệu quốc gia “THAI’S RICE” là sự bảo đảm của Chính phủ Thái Lan về các đặc tính của sản phẩm, bao gồm về chất lượng, nguồn gốc, truyền thống... đối với người tiêu dùng trên thế giới, thương hiệu này do Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại quản lý”, báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho hay.
Thái Lan xây dựng nhận biết thương hiệu dựa trên uy tín về chất lượng, hương vị gạo Thái Lan trên thị trường và hình ảnh nhận diện chung gạo Thái Lan, nâng cao chất lượng và giống gạo để tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Quan trọng hơn cả, Chính phủ và khu vực tư nhân có sự hợp tác để quảng bá chất lượng và hương vị gạo Thái trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, quay trở lại Việt Nam, đối với đăng ký trong nước, ngày 09/8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ) đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận quốc gia GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE cho Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu và có hiệu lực trong 10 năm.
Đối với đăng ký quốc tế, theo Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VIETNAM RICE (bảo hộ dưới dạng NHCN) cho đến tháng 10/2021 đã có 19 quốc gia chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice bao gồm: Indonesia, Nga và OAPI (gồm 17 nước Châu Phi, cụ thể: Benin, Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Comoros, Cộng hòa Công-gô, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích đạo, Gabon, Guinea, Guinea Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Senegal và Togo). Có 3 quốc gia (Trung Quốc, Brunei và Na Uy) đã thông báo bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận này.
Mặc dù nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số nước, nhưng cho đến nay chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng vì còn một số vướng mắc.
Theo Bộ NN&PTNT, vướng mắc đầu tiên là do cơ sở pháp lý quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ, không đủ điều kiện để thực thi cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.
Để giải quyết vướng mắc này, Bộ NN&PTNT tiến hành chuyển nhượng quyền sở hữu cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp hội phải sửa đổi Điều lệ mới đủ điều kiện để tiếp nhận chuyển nhượng. Do vậy, phương án này đã không thực hiện được. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice theo trình tự thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, cho đến tháng 11/2022, Bộ NN&PTNT chưa xây dựng xong Nghị định.
Đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cũng gặp khó khăn bởi 2 lý do: thiếu kinh phí đăng ký (Hiệp hội lương thực Việt Nam đề nghị không tiếp tục thực hiện được các nghĩa vụ liên quan đến những chi phí phát sinh của việc đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu Gạo Việt Nam theo như Bộ NN&PTNT giao do khó khăn về kinh phí); một số nước chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.
Theo Bộ NN&PTNT, muốn phát triển thương hiệu tốt phải có định hướng phát triển đồng thời trên 3 trục: Phải có sản phẩm tốt, có doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn; Phải có hệ sinh thái tốt để thương hiệu phát triển; và cuối cùng phải gắn kết thành thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung.
Về hình thành hệ sinh thái tốt cho phát triển thương hiệu nông sản, Bộ NN&PTNT cho rằng cần gắn kết theo chuỗi cùng nhau tạo ra sản phẩm tốt và có uy tín; hình thành hội, hiệp hội cùng nhau phát triển, bảo vệ thương hiệu…
Nhật Linh