Tại Hội nghị Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức ngày 30/11, nhiều đại biểu cho rằng, mô hình HTX nông nghiệp, trong đó có HTX lúa gạo đang hoạt động ở nhiều địa phương, nhưng nhìn chung, mô hình này còn gặp những khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để phát triển theo chuỗi giá trị.
Liên đoàn HTX sẽ hỗ trợ HTX, nông dân sản xuất lúa gạo
Trước thực tế này, đi liền với Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo nhận được nhiều sự quan tâm.
Ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang cho biết, chỉ riêng tỉnh An Giang dự tính trong năm 2023, sản lượng lúa là 4,1 triệu tấn. Đây là một con số lớn nhưng làm sao để người nông dân ở nông thôn đảm bảo cuộc sống từ cây lúa mới chính là giá trị thực mà ngành lúa gạo cần mang lại.
Đặc biệt, không chỉ ở An Giang mà ở các địa phương khác, số lượng HTX nông nghiệp thành lập nhiều nhưng riêng HTX lúa gạo còn hoạt động manh mún, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa chưa đồng bộ, liên kết với doanh nghiệp còn khó khăn.
Phát triển Liên đoàn HTX lúa gạo nhận được đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu. |
An Giang là một trong những địa phương có nhiều HTX lúa gạo đang liên kết với Tập đoàn Lộc Trời nhưng hiện phía doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp khó khăn vì sản xuất lúa gạo đang gặp lực cản bởi yếu tố mùa vụ. Thực tế, lúa sản xuất chỉ có 4 tháng trong khi doanh nghiệp ký hợp đồng cả năm. Điều này khiến doanh nghiệp phải thu mua lúa từ nhiều địa phương để có thể bảo đảm các hợp đồng xuất khẩu trong cả năm.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX An Giang, sản xuất lúa ở An Giang và nhiều tỉnh cũng đang đối mặt với tình trạng giá chưa ổn định do yếu tố mùa vụ. Chính vì vậy, rất cần thành lập mô hình Liên đoàn HTX lúa gạo nhằm hỗ trợ HTX phát triển theo quy mô lớn. Đặc biệt, Nhà nước đã có kế hoạch cụ thể cho phát triển 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên càng cần phải thành lập mô hình Liên đoàn HTX.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp xác định ngành lúa gạo còn mang lại giá trị lớn từ các phụ phẩm của cây lúa nhưng muốn có phụ phẩm với số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến, tái đầu tư của doanh nghiệp thì phải có Liên đoàn HTX lúa gạo để có tổ chức hỗ trợ người dân và cũng là đơn vị đại diện cho người dân liên kết với các ngành chức năng, doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực này.
“Nên nghĩ đơn giản, việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo nhằm mục tiêu duy nhất là hỗ trợ người dân, đồng thời coi đây là hình mẫu để xem xét phát triển mô hình này”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang chia sẻ.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá, Liên đoàn HTX là mô hình mới tại Việt Nam nhưng có thể là câu trả lời cho bài toán thu hút thành viên. |
Trước thực trạng phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng nghiên cứu thành lập Liên đoàn là cần thiết vì trong Nghị quyết 20 về kinh tế tập thể, HTX đã định hướng điều này.
Tuy nhiên, trong Luật HTX chưa có đề xuất thành lập Liên đoàn HTX nói chung, Liên đoàn HTX lúa gạo nói riêng, nên các cơ quan luật pháp cần nghiên cứu để đề xuất những kiến nghị cụ thể cho mô hình này.
“Trước tiên, nên thành lập đề án Liên đoàn HTX lúa gạo, Liên đoàn HTX tiêu dùng, từ đó giúp các địa phương có cái nhìn tổng thể và cũng là cơ sở để có lộ trình cụ thể phát triển mô hình này một cách phù hợp”, Tổng giám đốc Saigon Co.op đề xuất.
Hóa giải những băn khoăn
Thực tế tại Việt Nam, Liên đoàn HTX là mô hình hoàn toàn mới, nên nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng cần xem xét kỹ các yếu tố trong thành lập và hoạt động của mô hình này để hạn chế những khó khăn trong hỗ trợ người dân sản xuất lúa gạo hoạt động hiệu quả.
Ông Huỳnh Lam Phương, Trưởng cơ quan thường trực Liên minh HTX Việt Nam tại phía Nam, cho biết ở Đồng bằng sông Cửu Long có những HTX sản xuất và bao tiêu lúa gạo rất lớn. Chính vì vậy, cần có thời gian để tìm hiểu thực tế các mô hình này tại các địa phương để có cái nhìn cụ thể đối với các HTX lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm có định hướng hỗ trợ các HTX phát triển hiệu quả theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân lưu ý, việc học tập kinh nghiệm nước ngoài nhưng có chọn lọc là cần thiết. |
Đối với việc thành lập Liên đoàn, ông Huỳnh Lam Phương cho rằng vấn đề thành viên chính thức, thành viên không chính thức cần làm rõ hơn, cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho quá trình góp vốn. Bên cạnh đó, việc Liên đoàn HTX lúa gạo có tồn tại được không cũng cần tính toán, vì hiện doanh nghiệp đang đứng ra đầu tư, bao tiêu cho HTX lúa gạo và hầu như chi phối hết chuỗi giá trị. Và khi thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo, liệu có chồng lấn với mô hình Liên hiệp HTX hay không cũng cần xem xét để có phương hướng cụ thể.
Có ý kiến cho rằng một trong những yếu tố cần quan tâm trong Liên đoàn HTX lúa gạo là kết nối thành viên. Việc liên kết thành viên như thế nào cần được xem xét cụ thể, do điều này không giống với liên kết thành viên trong HTX, trong khi Liên đoàn HTX là mô hình vừa thể hiện tính kinh tế, vừa mang tính văn hóa… Bên cạnh đó, khi thành lập Liên đoàn, HTX là thành viên của Liên đoàn thì HTX cũng phải có trách nhiệm xã hội với chính thành viên HTX. Vì vậy, cần có những thảo luận sâu rộng để kết nối thành viên Liên đoàn HTX lúa gạo một cách phù hợp.
Trước việc phát triển ngành lúa gạo theo hướng hiện đại, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người dân, thành viên HTX, ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, kiến nghị để thành lập được mô hình Liên đoàn HTX lúa gạo, cần nhìn vào thực tiễn tồn tại của HTX lúa gạo đang gặp phải. Đây chính là lí do cần thành lập Liên đoàn HTX. Vì vậy, trong đề án hình thành Liên đoàn HTX lúa gạo cần quan tâm đến điều này.
Đồng thời, phải xác định được mục tiêu của việc thành lập Liên đoàn HTX để tạo nền tảng vững chắc cho mô hình này đi vào hoạt động.
Trước các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Liên đoàn HTX lúa gạo là mô hình mới ở Việt Nam. Muốn biết xem mô hình này hoạt động hiệu quả hay không, Liên minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hội thảo, hội nghị để thảo luận, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nước có mô hình Liên đoàn HTX phát triển.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, lúa gạo là ngành nghề thế mạnh ở Việt Nam, phát triển trên quy mô toàn quốc và đã hình thành được những chuỗi giá trị quy mô lớn với sự tham gia của HTX. Để phát triển ngành hàng này, có thể Liên đoàn HTX sẽ là câu trả lời cho câu hỏi mở rộng thành viên.
Kinh nghiệm từ Hà Lan cho thấy, Liên đoàn HTX sữa Cô gái Hà Lan đang thu hút đông đảo thành viên từ những người chăn nuôi bò, người chế biến sữa, người phân phối sữa, người dùng sữa… Tuy nhiên, do Liên đoàn HTX là mô hình mới, nên theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc học tập kinh nghiệm nước ngoài nhưng có chọn lọc là cần thiết.
Huyền Trang-Phạm Hòa