Được biết, các cửa thoát hiểm này đang được công ty MHI Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Công Nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries-MHI) Nhật Bản, sản xuất tại Hà Nội.
Cửa thoát hiểm trên cánh của dòng máy bay thân hẹp A321neo. Ảnh: Airbus |
Cửa thoát hiểm máy bay của Airbus sản xuất tại Việt Nam
Những sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam sẽ sớm được bàn giao và chuyển đến các nhà máy của Airbus tại Đức để lắp ráp lên thân máy bay. Sau khi hợp đồng giữa Tập đoàn Airbus và Tập đoàn MHI được ký kết vào năm 2023, Airbus đã cử các chuyên gia từ Pháp và Đức sang Việt Nam, làm việc chặt chẽ với MHI, đồng thời hướng dẫn, đào tạo trực tiếp đội ngũ nhân lực người Việt.
Bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam, cho biết: “Việc triển khai dự án sản xuất này tại Việt Nam thể hiện cam kết của Airbus trong việc hợp tác với các đối tác để phát triển ngành công nghiệp hàng không trong nước”.
Đáng chú ý, Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam cho rằng nhân lực Việt Nam chú trọng vào chất lượng và có đủ kỹ năng để đáp ứng được kỳ vọng của Airbus, cũng như có thể đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Airbus.
“Chúng tôi rất vui mừng khi ngày càng nhiều phụ tùng, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được lắp ráp trên máy bay Airbus, đồng hành với các hãng hàng không bay khắp thế giới”, bà Mai nói.
Với việc đưa sản xuất về Việt Nam, Airbus không chỉ tăng cường năng lực sản xuất của tập đoàn mà còn đảm bảo tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp giảm thời gian thực hiện và tăng công suất sản xuất dòng máy bay A320 bán chạy nhất thế giới.
Chia sẻ về bước tiến này, ông Go Fujikawa, Tổng giám đốc Hệ thống Hàng không Thương mại của MHI, đánh giá cao tầm quan trọng của sự kiện nhà máy MHI tại Việt Nam bàn giao cửa thoát hiểm của dòng máy bay A321 cho Airbus. Thành công này đánh dấu sự khởi đầu của hoạt động sản xuất thân vỏ máy bay mới tại Việt Nam, khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trong thị trường hàng không đang phát triển mạnh mẽ ở châu Á.
Sẽ có Luật Công nghiệp trọng điểm
Dự án sản xuất mới nhất với nhà máy MHI Việt Nam tiếp nối các hợp tác công nghiệp của Airbus tại thị trường Việt Nam, hiện đang tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động trong nước. Các nhà cung cấp hiện tại của Airbus bao gồm Artus và Nikkiso Việt Nam.
Thực tế, mảng linh phụ kiện ngành hàng không luôn được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá là rất tiềm năng bởi mức lợi nhuận hấp dẫn, đồng thời tạo tác động tích cực tới kinh tế - xã hội của đất nước. Song vấn đề băn khoăn nhất là làm sao để doanh nghiệp Việt (DN) nâng cao được năng lực, từ đó “bước chân”, tiến sâuvào chuỗi cung ứng toàn cầu này.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên Ban chấp hàng Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, độ an toàn, an ninh của một chiếc máy bay rất cao, điều đó đòi hỏi các chi tiết, linh kiện muốn lắp đặt trên máy bay phải vượt qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Do vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần phải nỗ lực hơn rất nhiều.
Bà Hương nhấn mạnh rằng lâu nay nhiều DN vẫn chọn cách gia công giản đơn, làm ở bậc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu vậy, giá trị thu về thấp, thiệt thòi cho các DN. Đây là thời điểm để các DN Việt cần tính toán bước đi cho những chiến lược dài hơi hơn.
Cùng với đó, muốn nâng cao năng lực, các DN Việt rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhìn từ bài học kinh nghiệm của Ấn Độ, Malaysia… khi những quốc gia nay đã xác định và xây dựng chiến lược ưu phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ từ hàng chục năm trước, Việt Nam cũng cần phải có sự chuẩn bị dài hơi cho chiến lược này.
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng Đề cương chi tiết Luật Công nghiệp trọng điểm. Trong đó, Dự thảo Luật đề xuất huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và ưu đãi khác để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong các ngành công nghiệp trong điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều quy định về thúc đẩy phát triển các DN dẫn đầu và DN tiềm năng. Thúc đẩy liên doanh, liên kết với các hãng sản xuất toàn cầu sản xuất tại Việt Nam đi kèm với yêu cầu phát triển nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời chuyển giao công nghiệp và đặc biệt gắn trách nhiệm của các DN dẫn đầu.
Bộ Công Thương xác định trách nhiệm trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng trình các cấp có thẩm quyền nhằm ban hành danh mục các ngành công nghiệp trọng điểm; danh mục công nghiệp phụ trợ; chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp; chương trình chuyển đổi số; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới công nghệ trong các ngành trong điểm… Hy vọng, sự ra đời của Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ hiện thực hóa “giấc mơ” của Việt Nam tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nói chung và chuỗi hàng không nói riêng.
Bình Minh