Máy bay dòng A320 là dòng máy bay bán chạy nhất của Airbus. |
Mitsubishi Heavy Industries đã ký hợp đồng với Airbus để cung cấp phụ tùng cho máy bay chở khách cỡ nhỏ, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Boeing. Các bộ phận này sẽ được sản xuất tại MHI Aerospace Việt Nam, dự kiến sản xuất hàng loạt từ tháng 8.
Mitsubishi là tập đoàn công nghiệp lớn đầu tiên đặt nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam. Năm 2007, Mitsubishi đã đầu tư vào nhà máy tại khu công nghiệp Thăng Long, với vốn ban đầu khoảng 7 triệu USD trên diện tích 19 ha, nhằm sửa chữa, sản xuất và gia công cánh máy bay và linh kiện khác. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2009.
Airbus cho biết hợp đồng này nằm trong chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu với các đối tác chất lượng cao. Thị trường máy bay thương mại tại Nhật Bản đạt tổng giá trị sản xuất 6,6 tỷ USD vào năm 2023.
Japan Airlines Aircraft Development Corp. báo cáo rằng số lượng đơn đặt hàng máy bay toàn cầu lớn trong năm 2023 đạt 4.070, tăng gấp ba so với năm 2019 trước đại dịch. Airbus giành được 2.454 đơn đặt hàng, vượt xa Boeing với 1.456 đơn đặt hàng.
Mặc dù vậy, Airbus vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất và chỉ giao được 735 máy bay trong năm đó. Ngành hàng không Nhật Bản chủ yếu phụ thuộc vào thân máy bay cỡ trung và lớn của Boeing.
Các công ty Nhật Bản đã tham gia sản xuất Airbus A380 hai tầng, nhưng sản xuất đã chấm dứt, khiến Mitsubishi Heavy ngừng cung cấp phụ tùng cho Airbus. Dòng A320 của Airbus, bao gồm A321neo, chiếm thị phần lớn trong thị trường máy bay cỡ nhỏ, với 1.970 đơn đặt hàng vào năm 2023, gần gấp đôi so với Boeing 737.
Sau sự cố cửa máy bay phản lực 737Max bị thổi bay giữa không trung vào tháng 1, Boeing đối mặt với chậm trễ trong sản xuất và phát triển.
Thành An