Một thông tin gây chú ý là Entobel - startup thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen của hai doanh nhân Bỉ ở Việt Nam vừa gọi được 30 triệu USD từ Mekong Capital và Dragon Capital, trong đó 25 triệu USD từ Mekong Enterprise Fund IV và 5 triệu USD từ Dragon Capital.
Ruồi lính đen - không nhanh sẽ lỡ cơ hội
Được biết, Entobel được thành lập từ năm 2013 với hai nhà sáng lập là doanh nhân người Bỉ, Gaëtan Crielaard và Alex de Caters. Họ bắt đầu hành trình đến Việt Nam khi nhận thấy tiềm năng của protein côn trùng với thức ăn dinh dưỡng cho động vật. Họ xác định Việt Nam sẽ là một trong những thị trường trọng điểm để thành lập mô hình kinh doanh này. Trong số hàng triệu loài côn trùng, họ chọn ruồi lính đen và sau đó, đến Việt Nam để thực hiện những thí nghiệm đầu tiên.
Nuôi ruồi lính đen để sản xuất thức ăn chăn nuôi. |
Đầu năm 2019, Entobel đã xây dựng một trong những nhà máy sản xuất và chế biến côn trùng lớn nhất thế giới tại Đồng Nai, với công suất hàng năm đạt 1.000 tấn bột thức ăn chăn nuôi từ côn trùng. Trong tương lai, nhà máy tiếp theo dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu ở mức độ toàn cầu.
Sở dĩ thông tin startup này gây chú ý vì hơn một năm qua, mặt bằng giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục thiết lập mức đỉnh mới. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có 4 lần điều chỉnh tăng, và kể từ cuối năm 2020 là lần tăng giá thứ 13-14 của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do phụ thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới.
Do vậy, việc startup sản xuất thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen lại càng được chú ý khi đây là nguyên liệu mới để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, để phát triển, mở rộng nuôi con ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi thì vẫn còn nhiều vướng mắc.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho hay địa phương này có điều kiện thuận lợi để nuôi ruồi lính đen. Hiện, ở châu Âu, Mỹ - con ruồi lính đen được ưu chuộng vì những ưu thế như năng năng suất sinh học cao, ví dụ nuôi ở châu Âu - ruồi lính đen đạt năng suất 10 ngàn tấn protein/ha. Việt Nam là quốc gia có điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn thức ăn, môi trường và chi phí chăn nuôi tốt để phát triển loại này.
Theo ông Sinh, hiện tại một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn lớn như C.P... đang liên hệ nguồn sử dụng sản phẩm từ ruồi lính đen thay thế nguồn nguyên liệu khác sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc tinh chế các sản phẩm mỹ phẩm, sức khỏe...
Bỏ phí nhiều nguồn nguyên liệu
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cũng chỉ ra vấn đề gặp phải hiện nay là Nhà nước chưa có quy định cụ thể về việc nuôi đối tượng ruồi lính đen: "Cuối năm vừa rồi, Cục Chăn nuôi có văn bản xin ý kiến địa phương, tôi cho rằng Bộ NN&PTNT nên làm nhanh vì nhiều nước khác đang phát triển ruồi lính đen rất hiệu quả. Nếu không làm nhanh, thì nguy cơ tụt hậu, nguy cơ các doanh nghiệp không đến với Đồng Nai sẽ diễn ra". Ông Sinh cho biết một số doanh nghiệp lớn đang làm việc với địa phương để phát triển chăn nuôi ruồi lính đen, nhưng nếu điều kiện pháp lý không đủ thì không làm được.
Được biết, Cục Chăn nuôi cũng đang định hướng phát triển sản xuất protein từ côn trùng (ví dụ: ruồi lính đen) để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu. Tuy nhiên, chia sẻ với VnBusiness về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho hay ruồi lính đen chưa được phát triển ở Việt Nam vì đây là giống đa dạng sinh học, chứ không phải giống vật nuôi. Muốn phát triển ruồi lính đen ở Việt Nam để phục vụ làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì vật nuôi này phải đưa vào Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, trong đó được quy định trong danh mục giống vật nuôi.
Theo ông Trọng, muốn đưa ruồi lính đen vào danh mục trên thì Việt Nam phải đánh giá được tác động môi trường. Báo cáo nghiên cứu đánh giá này đã được Bộ NN&PTNT giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, do năm ngoái ảnh hưởng của COVID-19 nên báo cáo chưa được hoàn thiện, hy vọng năm nay sẽ có kết quả đánh giá. Một khi làm được điều này thì mới có đủ căn cứ để đưa vào danh mục giống chăn nuôi tại quy định Nghị định 13, nếu không thì việc chăn nuôi để sản xuất thức ăn chăn nuôi hay các sản phẩm khác là không hợp pháp.
Về vấn đề công nhận ruồi lính đen, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay đã có nhiều tỉnh thành trong cả nước nuôi thành công loài vật này. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã đưa vào nuôi, sản xuất với số lượng lớn, đây là những căn cứ thực tế để có thể đánh giá hiệu quả, tác động mà loài vật này mang lại. Do đó, Cục Chăn nuôi và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện những đánh giá, để sớm công nhận ruồi lính đen, đưa vào sản xuất như một loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho chăn nuôi.
Trên thực tế, không chỉ ruồi lính đen mà hiện nay Việt Nam còn một số phụ phẩm như bã bia, bã dứa, vỏ điều, vỏ cà phê,… đã được tận dụng chế biến làm thức ăn chăn nuôi nhưng chưa hiệu quả vì số lượng còn ít, công nghệ còn lạc hậu. Điều này cho thấy, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn còn bỏ phí rất nhiều nguyên liệu tiềm năng, cũng như cơ hội phát triển đa phần do doanh nghiệp FDI nắm giữ như câu chuyện ban đầu startup nghiên cứu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen là do hai doanh nhân người Bỉ chứ không phải người Việt sáng lập.
Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi, năm 2021, cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (doanh nghiệp FDI 90 cơ sở, trong nước 179 cơ sở). Xét về số lượng, doanh nghiệp FDI ít hơn nhưng thị phần lại lớn hơn doanh nghiệp trong nước, khi chiếm khoảng 51%.
Giá nguyên liệu ngô nhập khẩu tháng 4/2022 cao hơn 50% so với năm ngoái Trong tháng 4/2022, Bộ NN&PTNT cho biết giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ổn định ở mức cao từ cuối tháng trước do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng mạnh trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Giá thức ăn chăn nuôi thế giới tăng đã ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong nước. Đơn cử, giá ngô nhập khẩu tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) tăng thêm 200 đồng/kg lên khoảng 9.200 – 9.500 đồng/kg đối với hàng giao tháng 5, 6, 7. Đây là mức giá cao hơn từ 20–25% so với cuối năm 2021 và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang đứng trước áp lực rất lớn, khi thời gian chốt giá các hợp đồng nhập khẩu đã đến gần, nhưng giá thế giới vẫn ở mức cao và các sản phẩm đầu ra như giá lợn, gà vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. |
Lê Thúy