Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mỗi năm cả nước cần hơn 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nhưng thị trường trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (tương đương khoảng 40%), 60% còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng 40% nhu cầu thức ăn chăn nuôi, tương đương khoảng 13 triệu tấn (Ảnh: Int) |
“Sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới”, đại diện Cục Chăn nuôi đánh giá.
Theo tính toán, trung bình chi phí thức ăn chiếm tới 65-70% giá thành chăn nuôi. Trong hơn một năm qua, giá thức ăn công nghiệp tăng tương đối cao, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, hiện chi phí thức ăn chiếm tới 80% giá thành chăn nuôi.
Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có 4 lần điều chỉnh tăng, và kể từ cuối năm 2020 là lần tăng giá thứ 13-14 của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là 90 cơ sở; năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn nhiều hạn chế. Diện tích gieo trồng ngũ cốc - nguồn thức ăn tinh chủ yếu cho chăn nuôi lợn, gia cầm lại không nhiều và năng suất thấp. Các địa phương chưa tận dụng hết nguồn phụ phẩm nông nghiệp, chế biến làm thức ăn chăn nuôi…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng gắn với các cơ sở chăn nuôi.
Bộ NNPTNT cũng đã đề nghị Tập đoàn De Heus phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên để thành lập các HTX, tập trung chủ yếu vào phát triển vùng nguyên liệu trồng cây sắn và ngô để giảm áp lực nhập nguyên liệu từ nước ngoài.
Để người chăn nuôi giảm bớt gánh nặng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, Cục Chăn nuôi cũng đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ngô từ 5% xuống 2%; lúa mì từ 3% xuống 0% và ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp sản xuất ở vùng khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu, chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng ngô, sắn…; tăng cường liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo và phát triển sản xuất protein từ côn trùng để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu hiện nay.
Phương Linh