Nếu gõ từ khóa “trend măng cụt” trên nền tảng TikTok sẽ thấy có hàng triệu lượt xem các clip ngắn xoay quanh trái măng cụt. Không chỉ TikTok, “trend” về “măng cụt xanh” hay “gỏi gà măng cụt” đang có độ phủ sóng trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, từ Facebook cho đến Youtube, Zalo…
Hiệu ứng từ TikTok
Song song với “trend” nêu trên là việc trái măng cụt xanh “sốt” giá. Ở các nhà vườn trồng măng cụt, từ giữa tháng 4/2023 khi thương lái bắt đầu thu mua, măng cụt xanh có giá bán từ 70 – 80 ngàn đồng/kg. Thậm chí, giá một cân măng cụt xanh đã gọt vỏ đắt gấp 10 lần măng cụt thường, dao động trong khoảng 550.000 - 600.000 đồng/kg.
Các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền cần phải thích ứng tốt với “trend” trên mạng xã hội. |
Đứng ở góc độ của người tiêu dùng, trao đổi với VnBusiness, anh Nguyễn Văn Hậu (quận 3, Tp.HCM) cho rằng thời buổi bây giờ có nhiều người cứ ăn theo “trend”. Nhưng cũng vui thầm cho nhà vườn có chuyên canh măng cụt, nhờ có những clip trend măng cụt đã đẩy giá măng cụt lên cao.
Theo anh Hậu, từ sức hút của “trend măng cụt” thì ngành hàng nông sản Việt cũng cần tạo “trend” để hấp dẫn người mua hơn, vừa được giá, vừa được đầu ra.
Trên thực tế, những người làm công tác xúc tiến thương mại cho ngành hàng nông sản gần đây cũng đã thấy được tầm quan trọng của việc tạo “trend” thông qua các clip ngắn và đã có những động thái để thúc đẩy việc này.
Như hồi tháng 2/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã ký kết hợp tác chiến lược với nền tảng TikTok để nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, các HTX tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo Ts. Sam Goundar (Đại học RMIT), TikTok có mặt ở Việt Nam từ năm 2019 và đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng người dùng từ đó đến giờ. Tính đến tháng 4/2023, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các quốc gia có lượng người xem TikTok lớn nhất thế giới, với hơn 50 triệu người dùng TikTok trên 18 tuổi theo dữ liệu được công bố trên Statista.
Tuy nhiên, Ts Goundar lưu ý, nền tảng này cũng đã vấp phải chỉ trích vì lượng nội dung không phù hợp hoặc thậm chí gây hại. Tháng trước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra 6 vi phạm lớn của TikTok tại Việt Nam. Và mới đây, cơ quan này thông báo sẽ thực hiện thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok từ tháng 5/2023.
Ts. Goundar cho rằng thuật toán phân phối nội dung của TikTok liên tục phát triển và thay đổi dựa trên hành vi và phản hồi của người dùng. Hầu hết các mạng xã hội khác sử dụng những thuật toán tương tự vì mục đích của họ là tiếp cận lượng người xem tối đa và gia tăng quảng cáo, bởi quảng cáo là cách kiếm tiền của các nền tảng này.
Cần thích ứng tốt với “trend”
Mặc dù vậy, vẫn cần rạch ròi những mặt tích cực cho ngành hàng nông sản mà nền tảng này mang lại, đơn cử như “trend măng cụt”. Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc của Tiktok Việt Nam, cho rằng với một nền tảng số đang có hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam thì Tiktok rất mong làm sao để giúp được các nông sản địa phương, những đặc sản Việt Nam đến với người dùng trong và ngoài nước.
“Chúng tôi đang dồn sức để giúp người dân hiểu rằng thương mại điện tử là điều rất bình thường, đó là hơi thở của cuộc sống, vừa mua sắm và vừa giải trí”, ông Thanh chia sẻ.
Như hồi năm 2022, TikTok đã tổ chức thành công hơn 10 khóa đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng miền.
Đặc biệt, các hashtag (có công dụng hỗ trợ phân loại nội dung và chủ đề) như “#OCOP” và “#DacSanVietNam” đã thu hút lần lượt 305 triệu và 350 triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng
Có thể thấy việc tạo “trend” thông qua các clip ngắn và dùng mạng xã hội để kết nối với người tiêu dùng sẽ giúp cho đầu ra nông sản được tốt hơn.
Trước đây, nhiều nông dân vốn chỉ quen với việc chăm sóc vườn, ít tiếp xúc với các kênh bán hàng hiện đại. Còn hiện nay, họ phải bắt đầu tìm hiểu phương thức bán hàng qua mạng xã hội. Đủ các mặt hàng, từ hoa quả, rau củ đến gia súc, gia cầm… đều được nông dân chụp ảnh, quay clip đưa lên TikTok, Youtube, hay trực tiếp livestream để bán hàng trên Facebook.
Để tạo sự chú ý cho khách hàng, nhiều nông dân còn đầu tư rất lớn về chất lượng bài viết, trau chuốt hình ảnh, video, thậm chí sẵn sàng thuê người viết bài giới thiệu sản phẩm của mình.
Xét về mức độ lan tỏa của các clip, video trên mạng xã hội, Ts. Goundar dẫn lại số liệu từ Statista hồi năm 2022 cho thấy mỗi phút trôi đi sẽ có 30.000 giờ video được tải lên Youtube, 167 triệu video được xem trên TikTok và 44 triệu lượt livestream trên Facebook.
Từ đó để thấy trong hàng triệu clip được đưa lên chớp nhoáng trên mạng xã hội như vậy thì điều mong đợi là rất cần nhiều clip tạo “trend” để quảng bá, nâng tầm nông sản Việt.
Điển hình là ở vùng đất xa xôi như tỉnh Tuyên Quang thời gian qua đã nổi lên những bạn trẻ thường xuyên sản xuất những clip, video nhằm quảng bá những nông sản, đặc sản ở xứ Tuyên, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Trong đó phải kể đến Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh, Tiktoker Lâm Tiến Lộc, Facebooker Tạ Đức Bằng…đã thành công trong hành trình quảng bá đưa nông sản, đặc sản, dược liệu xuống núi và được tiêu thụ rộng rãi.
Đơn cử như tài khoản Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh (người dân tộc Nùng) có hơn 190 nghìn người theo dõi. Các clip ngắn do Quỳnh tạo ra đã giới thiệu một cách sáng tạo và dí dỏm đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản đã thu hút hàng chục triệu lượt xem.
Nhờ đó, có thời điểm, chỉ vài ngày hot Tiktoker này đã bán được 1.000 đơn hàng với măng khô, sâm đất, sắn dây, trà xanh, thịt trâu, lợn gác bếp, hạt mắc khén, hạt dổi, mật ong rừng, mật ong nhãn…
Nhìn chung, khi mà người tiêu dùng (đặc biệt là người tiêu dùng trẻ) đang ngày “đu trend”, chạy theo “trend” trên mạng xã hội thì không có lý gì ngành hàng nông sản Việt “nguội lạnh”, thay vào đó phải cần thích ứng tốt với “trend” để vừa được giá, vừa được cả đầu ra.
Thế Vinh