Báo cáo Hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ năm 2023 của nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Forest Trends và các Hiệp hội gỗ thực hiện cho thấy sự trở lại của khối doanh nghiệp FDI.
Sự trở lại của khối doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành gỗ năm 2023. |
Các dự án đầu tư mới trong năm 2023 tăng so với năm 2022. Năm 2023, ngành nhận 57 dự án mới với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Dự án có vốn sở hữu từ Trung Quốc chiếm 49,1% về số lượng dự án và 35,5% về vốn đầu tư. Các nguồn dự án FDI lớn khác bao gồm Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Seychelles và Nhật Bản.
Quy mô vốn bình quân đầu tư của mỗi dự án FDI mới trong năm 2023 đạt khoảng 5,26 triệu USD/dự án, tăng 1,6 lần so với quy mô mỗi dự án năm 2022.
Chế biến gỗ là nhóm ngành hàng nhận được nhiều dự án đầu tư FDI mới, tiếp đến là ván nhân tạo (gỗ dán, ván sàn), viên nén, thương mại gỗ và phụ trợ ngành gỗ.
Về góp vốn mua cổ phần, năm 2023, số lượt và giá trị vốn góp mua cổ phần tăng trên 1,1 lần so với cả năm 2022. Có 36 lượt góp vốn mua cổ phần, với số vốn góp đạt 139,83 triệu USD, tăng 9,1% về số lượng và 27,1% về giá trị vốn so với năm 2022. Các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc có số lượt góp vốn mua cổ phần lớn nhất.
Năm 2023, có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư các dự án mới vào ngành gỗ, tuy nhiên số vốn đầu tư chủ yếu tập trung ở các quốc gia/vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và Seychelles.
Trung Quốc có 28 dự án với vốn đầu tư 106,63 triệu USD, chiếm 49,1% về số dự án và chiếm tới 35,5% về tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ trong năm 2023.
Các dự án do Trung Quốc đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: 18 dự án về chế biến gỗ, đầu tư vào sản xuất các sản phẩm ghế sofa, bộ sofa, giường, tủ, tủ bếp, kệ bếp,... với vốn đầu tư 54,4 triệu USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ; 3 dự án sản xuất gỗ dán với số vốn đầu tư trên 12,8 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn FDI Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ; 3 dự án sản xuất ván sàn với vốn đầu tư lên tới 38,88 triệu USD, chiếm 36,5% tổng vốn FDI Trung Quốc vào ngành gỗ, còn lại là các dự án nhỏ sản xuất pallet gỗ, trang trí nội thất, thương mại...
Nhìn chung, báo cáo đánh giá, các dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ tập trung vào các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, chủ yếu là các dự án sản xuất sản phẩm giường, tủ bếp, bàn ghế. Trung Quốc vẫn là quốc gia chiếm ưu thế về số lượng cũng như mức vốn đầu tư ở cả 3 hạng mục đầu tư mới, góp vốn mua cổ phần và điều chỉnh vốn.
Đặc điểm nổi bật của các dự án FDI từ Trung Quốc là quy mô của mỗi dự án đầu tư tương đối nhỏ (so với quy mô của các DN đầu tư từ Nhật, Singapore).
Năm 2023, số lượng các dự án FDI tham gia xuất khẩu chỉ chiếm 18,8% trong tổng số dự án xuất khẩu của cả nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhóm này đạt 6,24 tỷ USD, chiếm 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ hiện nay cho thấy một điều đáng suy ngẫm đối với ngành gỗ Việt, số lượng doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu trực tiếp nhỏ nhưng kim ngạch xuất khẩu lại rất lớn. Điều này thể hiện tính vượt trội trong khâu xuất khẩu của khối này so với khối doanh nghiệp nội địa.
Ưu thế này có thể đến từ nhiều yếu tố như quy mô sản xuất/đầu tư, trình độ quản lý, công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường... Đến nay, kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần thúc đẩy việc hình thành môi trường thể chế và chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích cho việc hình thành kết nối giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt.
Thy Lê