Mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết dịch bệnh kéo dài đã làm cho “sức khỏe” của DN rất mong manh, nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Mong thiết kế chính sách phù hợp
Và điều mà ông Cẩm mong muốn là các hiệp hội ngành hàng cần tăng cường sự phối hợp để tiếp tục kiến nghị, đề xuất những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động và DN, tham gia góp ý thiết kế chính sách phù hợp và tháo gỡ những vướng mắc để các khoản hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng.
Các DN mong thiết kế chính sách phù hợp, môi trường kinh doanh trong năm 2022 tiếp tục cải thiện mạnh để họ có thể trụ vững tốt hơn giữa đại dịch Covid-19. |
Chẳng hạn như vấn đề về người lao động, theo ông Cẩm, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021 cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do cũng sẽ góp phần tăng tỷ lệ biến động lao động và là một thách thức cho DN trong quan hệ lao động.
Ngoài ra, như băn khoăn của Phó chủ tịch Vitas, đại dịch Covid-19 đã cho thấy, có một lực lượng lớn người lao động di cư rất dễ bị tổn thương khi có biến động, tác động mạnh đến quan hệ lao động trong DN.
Cho nên, rất cần cộng đồng DN đề xuất cơ chế với Nhà nước và phối hợp với địa phương triển khai các chương trình an sinh xã hội như nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, nhà trẻ, mẫu giáo… tại các khu công nghiệp, hoặc các DN có điều kiện để các đối tượng lao động này ổn định cuộc sống gắn bó lâu dài với DN và với địa phương nơi làm việc.
Như với nhà ở xã hội, hôm 3/1/2022, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội.
Bởi lẽ, điểm bất cập được HoREA chỉ rõ từ việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015.
Theo đó, khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN quy định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2015/TT-NHNN chỉ còn quy định: “2. Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP”.
Qua đó đã loại bỏ “đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội” kể từ ngày 20/1/2022 sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn ưu đãi để “xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”.
Tiếp tục dỡ bỏ rào cản, nhũng nhiễu
Không chỉ trong vấn đề về lao động, an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điều mong mỏi của các DN trong năm 2022 này chính là môi trường kinh doanh và các hành lang pháp lý phải cần tiếp tục cải thiện hơn nữa.
Như nhấn mạnh của chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng khi nói về một trong các giải pháp trụ cột để các DN phục hồi và phát triển vững chắc trong năm 2022, đó là việc thể chế hóa bộ khung pháp lý DN trong điều kiện mới. Điều này đòi hỏi sự tập trung vào các quy định hiện hành và sẽ có của Nhà nước và đặc thù của DN trong bối cảnh thích ứng mới.
Trong chuyện này cũng đòi hỏi các tổ chức hiệp hội DN, ngành hàng cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Nhất là có thể tham gia ngay từ đầu trong quá trình hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Như quan điểm của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), đó là trong năm 2022 sẽ tăng cường kết nối hiệu quả để thúc đẩy phản biện chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho DN.
Trong năm 2021 vừa qua, hiệp hội này cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác phản biện xã hội nhằm kiến nghị những giải pháp, đề xuất hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành vận tải, logistics.
Điển hình là từ tháng 6 - 9/2021, VLA đã phát hành hơn 20 văn bản về các nội dung có liên quan đến hỗ trợ khó khăn, vướng mắc cho DN kinh doanh vận tải logistics trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh mới như năm 2022 này đang đòi hỏi các hiệp hội DN, ngành hàng cần có tính trách nhiệm cao đối với cả hoạt động xây dựng chính sách và kết nối mạng lưới DN trong nước.
Theo đó, không chỉ tập trung vào những vấn đề trước mắt, vấn đề ngắn hạn mà vai trò của các hiệp hội cần phải thể hiện ở những câu chuyện có tính chiến lược, dài hơi để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam.
Ngoài ra, mới đây khi góp ý vào Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có nhấn mạnh: bên cạnh những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, thì việc giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là thực sự quan trọng.
Thế Vinh