Tính hiệu quả trong xuất khẩu (XK) chuối của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang làm cho dư luận chú ý. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, công ty này đã XK 138.792 tấn trái cây (trong đó gồm 100.255 tấn chuối XK, 38.537 tấn chuối cho heo ăn).
Nhìn từ tăng trưởng xuất khẩu chuối
Trong 7 tháng qua, doanh thu từ mảng trái cây (chủ yếu là chuối) của HAGL cũng chiếm phần lớn với 1.280 tỷ đồng, góp phần giúp cho lợi nhuận sau thuế luỹ kế 7 tháng đạt 657 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch đề ra cho cả năm. Kết quả này được cho là khả quan trong bối cảnh giá XK chuối không tăng cao như kỳ vọng, vẫn duy trì mức thấp nhất kể từ đầu năm khoảng 6,5-8,5 USD/thùng.
Ngành hàng chuối đang tăng trưởng tốt và có nhiều triển vọng trong việc tận dụng các phụ phẩm từ chuối. |
Điều làm cho nhiều người ấn tượng khi doanh nghiệp (DN) này đang tận dụng tốt phụ phẩm từ chuối và tận dụng nguồn chuối XK bị loại để làm thức ăn cho heo, để từ đó cho ra thương hiệu heo ăn chuối.
Theo đó, chuối sau khi tuyển chọn để XK được dùng cho heo ăn vừa gia tăng lợi nhuận trên vườn chuối vừa giảm chi phí chăn nuôi heo, còn chất thải chăn nuôi được dùng làm phân bón hữu cơ bón cho các trang trại chuối.
Nêu ra trường hợp ở DN nêu trên để thấy, nếu tận dụng tốt các phụ phẩm từ rau quả sẽ mang lại lợi ích lớn cho chính bản thân DN. Điều này có thể thấy rõ trong XK chuối, theo Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), tính riêng giá trị XK chuối trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt hơn 260 triệu USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ 2021.
Rõ ràng sức tăng trưởng tốt của XK chuối rất đáng để khích lệ trong bối cảnh việc XK của nhiều mặt hàng rau quả khác có dấu hiệu sụt giảm trong nhiều tháng qua, như nhãn (giảm 90%), chôm chôm (giảm 70%), dưa hấu (giảm 63%), xoài (giảm 63%) và thanh long (giảm 35%).
Đáng chú ý là việc XK các phụ phẩm của chuối, chẳng hạn như lá chuối. Theo dữ liệu BSA thu thập được, trong nửa đầu năm nay, XK mặt hàng này ước tính lên đến hơn 250 ngàn USD, chủ yếu đến thị trường Mỹ, Úc, Thụy Sỹ và Nhật Bản.
Giá lá chuối thu mua trong nước dao động từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, còn giá bán lá chuối XK vào khoảng 1,8 – 2 USD/kg, tương đương 41.000 – 46.000 đồng/kg.
Quan trọng là cải thiện cơ giới hoá
Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng lá chuối tại nước ngoài trở nên đa dạng hơn, ngoài việc dùng để gói các loại bánh, lá chuối còn được sử dụng để trang trí trong nhà hoặc trang trí món ăn, đặc biệt tại các nhà hàng Châu Á.
Song song đó, theo BSA, cùng với xu hướng tìm kiếm các giải pháp bao bì mới, thân thiện với môi trường và có khả năng thay thế bao bì nhựa dùng một lần, lá chuối cũng là một lựa chọn được cân nhắc.
Giới chuyên gia cho rằng, trong ngành hàng rau quả các DN không nên chỉ chăm chăm XK trái cây tươi hoặc chế biến thành vài sản phẩm đơn điệu, mà cần chú trọng tận dụng các phụ phẩm.
Như lưu ý của Ts. Phạm Minh Nhựt (Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghệ Tp.HCM), phụ phẩm từ rau quả rất phong phú, chưa được sử dụng hết.
Chẳng hạn, với phụ phẩm chuối là vỏ quả chuối, thân cây chuối, lá chuối. Đối với thanh long, hiện có nhiều sản phẩm chế biến như rượu thanh long, nước ép thanh long, nước trái cây lên men, bánh mì thanh long…Nguồn phụ phế phẩm lớn có thể tận dụng là vỏ quả thanh long, dây (thân cây) thanh long, hạt thanh long. Đối với mít, có thể tận dụng nguồn phụ phế phẩm là xơ mít, hạt mít, vỏ quả mít.
Với các loại phụ phế phẩm như vỏ mít, dây thanh long hay thân cây chuối, trên thực tế đã áp dụng thành công quy trình sản xuất phân bón vi sinh. Hay như đối với các loại phụ phẩm chế biến trái cây vốn có giá trị kinh tế thấp có thể phát triển các sản phẩm như giấm trái cây, nước trái cây lên men, dầu hạt thanh long, nguyên liệu cho thực phẩm (mứt, trà thảo dược từ vỏ thanh long, xơ mít lên men), tinh bột chất lượng cao (từ hạt mít)…
Song song với việc tận dụng phụ phẩm và chống thất thoát sau thu hoạch trong ngành hàng rau quả, giới chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là cần tiếp tục cải thiện về mặt cơ giới hoá, đầu tư máy móc thiết bị để vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa giảm giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Như thông tin của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tại hội thảo "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững" tổ chức ở Tp.Cần Thơ vào ngày 24/8, cho rằng công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong sản xuất, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch một số ngành hàng nông sản còn cao, như với rau quả là khoảng 20 - 30%.
Không chỉ vậy, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15 - 30%, hệ số đổi mới thiết bị đạt khoảng 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 các nước khác). Nhất là công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản trong ngành rau quả còn cũ và lạc hậu, gây tốn nhiều nguyên liệu trong sản xuất, năng suất thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.
Cho nên, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đây là lúc rất cần đầu tư mới và nâng cấp các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản có quy mô vừa và nhỏ hay các hợp tác xã với thiết bị, công nghệ, quản lý,...phù hợp với khả năng sản xuất và đặc điểm nguyên liệu đối với nhóm sản phẩm chủ lực và đặc sản của địa phương.
Thế Vinh