Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi tới 7 Bộ, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và 5 công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để lấy ý kiến lần 2 về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện, sử dụng năng lượng xanh, trong đó nổi bật là chính sách hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện.
Người dân sẽ xuống tiền 'xài' xe điện
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ đối với ô tô điện như bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin ô tô điện vào nhóm ngành đặc biệt ưu đãi đầu tư; miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu, ưu đãi tiếp cận tín dụng; miễn giảm phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số. Đồng thời, hỗ trợ giá bán điện cho các trạm/trụ sạc, thu phí khí thải với các phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông với xe điện…
Bộ GTVT đề xuất chính sách hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện. |
Bộ GTVT đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội góp ý trước ngày 28/8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8. “Nếu Bộ GTVT không nhận được văn bản góp ý thì coi như các cơ quan thống nhất với dự thảo báo cáo”, Bộ GTVT cho biết.
Cả nước hiện có 2 doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô điện là VinFast và Công ty CP ô tô TMT. Bên cạnh đó, công ty CP tập đoàn Thành Công và công ty CP ô tô Trường Hải đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện của Hyundai, KIA tới khách hàng.
Theo các chuyên gia, đề xuất hỗ trợ 1.000 USD/xe là cần thiết để kích cầu người dùng, chuyển sang sử dụng ô tô điện. Thực tế, vẫn còn nhiều người ngại thay đổi thói quen sử dụng sang xe điện, vì vậy việc có thêm nhiều chính sách hỗ trợ sẽ khiến người dùng có lý do để lựa chọn phương tiện này.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng không chỉ miễn giảm thuế, phí mà Việt Nam cần một tổ hợp chính sách cho xe điện. Việc hỗ trợ bằng các công cụ tài chính cho người đi đầu sẽ kéo thêm các DN khác cùng tham gia sản xuất ô tô điện. Việc giảm thuế phí cho ô tô điện thời gian đầu có thể không làm hụt thu ngân sách nhiều vì số lượng xe điện ra thị trường chưa lớn.
Về dài hạn, các chính sách khuyến khích sẽ thu hút DN đầu tư mở rộng, đồng nghĩa sẽ có thêm đối tượng đóng thuế, quan trọng hơn là tạo ra những sản phẩm chiến lược, giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng, ứng dụng khoa học công nghệ và thân thiện môi trường.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Đáng chú ý, đơn vị chuyên về nghiên cứu BMI Research cũng đưa ra nhiều số liệu dự đoán sự tăng trưởng tích cực của thị trường xe điện tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2032. Theo đó, doanh số bán xe điện tại Việt Nam năm 2023 dự kiến tăng ít nhất gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 18.000 chiếc.
BMI Research cho hay, thị trường ô tô điện tại Việt Nam hiện do VinFast thống trị, nắm giữ hơn 50% thị phần năm 2022, phần còn lại thuộc về các thương hiệu Trung Quốc. Tuy nhiên, BMI Research cho hay việc phổ cập xe điện tại Việt Nam sẽ gặp khó bởi thu nhập của người dân chưa cao, đồng thời thị trường chưa có nhiều ưu đãi hấp dẫn cho người mua.
Các dự báo này cũng tạo ra một thách thức lớn khi doanh số tiêu thụ xe điện tại Việt Nam chỉ chiếm 0,7% so với toàn khu vực Đông Nam Á (theo số liệu quý III/2022 của Statista).
Cạnh tranh khốc liệt giữa các ‘ông lớn’
Chưa kể, cuộc cạnh tranh về sản xuất xe điện của các “ông lớn” cũng đang bắt đầu sôi động tại Việt Nam. Một trong những cái tên không thể không thể nhắc tới là VinFast đã lắp đặt các trạm trong 63 tỉnh thành, đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ xe ôm công nghệ thuần điện và dịch vụ taxi thuần điện. Bên cạnh dãy sản phẩm ô tô điện hiện có, VinFast sẽ ra mắt mẫu xe điện nhỏ gọn cạnh tranh với mẫu Wuling HongGuang MiniEV của TMT (trên cơ sở hợp tác với liên doanh GM (Mỹ), ô tô Thượng Hải và Quảng Tây để đưa mẫu trên về lắp ráp và phân phối tại thị trường Việt Nam).
Vào cuối năm 2022, Mercedes-Benz Việt Nam đã ra mắt dòng xe thuần điện EQS đầu tiên tại Việt Nam. Hay các thương hiệu lớn trong phân khúc xe sang như BMW, Porsche, Audi, Volvo cũng lần lượt giới thiệu những mẫu xe điện cũng như chiến lược hoàn thiện danh mục xe điện của họ tại thị trường Việt Nam trong tương lai gần...
Báo cáo “Di chuyển xanh: Cơ hội và thách thức của thị trường xe điện tại Việt Nam” của Vero đã nêu ra khảo sát được thực hiện vào đầu năm nay cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đều đồng ý quan điểm xe điện là phương tiện thân thiện với môi trường. Tuy vậy, trong khảo sát trên, Vero cho biết đã nhận ra nguyên nhân vì sao xe điện phát triển chậm tại Việt Nam khi xem xét lý do cân nhắc mua xe điện từ 2/3 số người tham gia khảo sát. Theo đó, có 3 yếu tố chính khiến người dùng e ngại việc chuyển sang sử dụng xe điện ở thời điểm này: Thiếu trạm sạc gây ra lo ngại về khoảng cách di chuyển, quá ít người hiểu về công nghệ xe điện, giới trẻ là những người ít quan tâm đến xe điện.
“Một cuộc khảo sát được thực hiện với 30 người về ý định mua ô tô điện, hơn một nửa cho biết họ không mua ô tô điện vì không cảm thấy quen thuộc”, khảo sát của Vero cho biết.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Vero cũng cho rằng thời điểm này các thương hiệu tham gia cuộc đua xe điện có cơ hội vàng để tận dụng thị trường bằng cách thu hút người tiêu dùng ở giai đoạn đầu, xây dựng lòng tin và thiết lập một vị thế vững chắc để có được trái ngọt trong dài hạn. Theo đó, các thương hiệu cần phải giải quyết những e ngại của người tiêu dùng về xe điện, ra mắt những mẫu xe điện đáp ứng đúng tâm lý người Việt, khuyến khích giao thông xanh như một lối sống…
Theo đánh giá của chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, muốn phát triển xe ô tô điện thành đại trà, chính sách và thị trường phải là động lực thúc đẩy, phải ưu tiên giảm, bỏ các loại thuế phí đối với sản xuất xe điện, hệ thống trạm sạc. Ngoài ra, đầu tư xe điện tốn kém hơn nhiều do xây dựng cơ sở vật chất ban đầu ngốn nhiều chi phí, chính vì vậy, Nhà nước hay các hãng xe cần kết hợp để sản xuất một hệ thống tập sạc pin cho mọi loại xe để tận dụng nguồn lực và có tầm nhìn dài hạn hơn.
Ông Phạm Tuấn Anh Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Theo đó, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào các trụ cột chính gồm khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia, các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế; số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin. Trong đó, chính sách đóng vai trò quan trọng. TS. Khương Quang Đồng Chuyên gia ô tô tại Pháp Ngành công nghiệp ô tô thế giới đang ở một khúc cua quan trọng. Ở đó, các hãng đang chạy đua cho đích đến xe điện bằng những khoản đầu tư hàng trăm tỷ USD. Tuy vậy, người dùng liệu có chấp nhận và từ bỏ phương tiện ô tô chạy xăng dầu - “gà đẻ trứng vàng” của các hãng ô tô hàng trăm năm qua hay không. Những năm gần đây, xe điện tăng trưởng khá nhanh ở các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc nhưng phần lớn nhờ trợ lực từ các khoản kích cầu của Chính phủ. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần lưu tâm. Ông Nguyễn Đăng Quang Giám đốc Kinh doanh ô tô VinFast Miền Bắc Hiện nay, cơ sở hạ tầng, trạm sạc là trở ngại lớn nhất với bất kỳ hãng xe điện nào, bởi khi dùng loại xe này, người dùng sẽ băn khoăn sạc ở đâu. Chưa kể, xe điện không chỉ mới ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu, nở rộ khoảng 5 năm nay, việc này dẫn đến đa số người dùng chưa được tiếp cận, chưa hiểu đúng về lợi ích của dòng xe này mang lại. Thêm vào đó, chuỗi cung ứng linh kiện, chất bán dẫn bị đứt gãy trên toàn cầu, đa số các hãng xe đều thiếu hụt sản lượng. |
Nhật Linh