Mới đây, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã xuất khẩu (XK) sang thị trường Myanmar 120 xe du lịch Kia Cerato cho đối tác nhập khẩu là công ty Super Seven Stars Motors Industry Co., Ltd (SSS).
Kỳ vọng các hãng lớn
Số lượng xe XK này có các linh kiện nội địa hóa được sản xuất tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ trong Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam) như: body, ghế, cản, dây điện, cửa, capô, cốp xe, ống xả, máy lạnh, AVN (thiết bị nghe nhìn và định vị trên xe)…
Thaco cho biết công ty đã trở thành trung tâm sản xuất của Kia Motors tại ASEAN, XK xe nguyên chiếc và linh kiện sang các nước trong khu vực. Với tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, hãng này đã đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) diễn ra mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group, cho biết hãng này đang bắt đầu XK ô tô ra nước ngoài trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh nhập khẩu cũng cần phải hướng tới XK.
Trong năm 2019, Thaco - vốn đang chiếm khoảng 32% thị phần ô tô trong nước, đã bắt đầu có một số sản phẩm xe buýt, xe tải, xe container XK sang Philippines, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan…. Công ty cũng đặt mục tiêu năm 2020 sẽ XK 1.226 xe ô tô các loại, giảm áp lực nhập siêu từ 20-25% hiện nay.
Chia sẻ về thực trạng ngành cơ khí Việt Nam hiện nay, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), cho rằng cần hình thành một số DN cơ khí nội địa đã đầu tư sản xuất lắp ráp một số ô tô tải, ô tô bus, ô tô dưới 9 chỗ để bên cạnh việc đáp ứng thị trường nội địa thì hướng tới tham gia XK.
Ngoài Thaco với nguồn vốn dồi dào, có kinh nghiệm quản trị, hợp tác quốc tế tốt với các tập đoàn sản xuất nổi tiếng toàn cầu, theo ông Long, VinFast cũng được đánh giá là một cái tên triển vọng.
Vào trung tuần tháng 12 vừa qua, hãng tin Bloomberg (Mỹ) đã đưa tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng có kế hoạch XK ô tô điện của VinFast sang Mỹ vào năm 2021 - một thị trường nhiều tiềm năng có thể mang lại lợi nhuận lớn.
Bloomberg dẫn lời ông Vượng là thị trường trong nước quá bé và XK sẽ là yếu tố quan trọng để VinFast có lãi.
Tuy nhiên, để XK được, VinFast sẽ phải vượt qua nhiệm vụ khó khăn để thuyết phục thị trường tiêu dùng Mỹ và thị trường của các quốc gia phát triển khác vốn cực kỳ nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn về khí thải.
Ngoài thị trường Mỹ, nhiều người vẫn đang đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có XK ô tô được vào thị trường EU hay không từ hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)?
Lô xe ô tô du lịch từ Việt Nam XK sang thị trường Myanmar |
Cần chính sách trợ lực
Những người am hiểu thị trường ô tô ở EU cho rằng Việt Nam ít có triển vọng XK ô tô vào EU, nhưng với linh kiện, phụ tùng ô tô, khi thuế giảm về 0% sẽ tăng cơ hội để các DN XK hàng tỷ USD các sản phẩm này.
Tuy nhiên, để tận dụng được mức thuế suất ưu đãi như vậy, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, khi mà công nghệ sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam còn rất thấp. Thực tế mới chỉ là những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp như dây điện, săm lốp, ắc quy, gương kính…
Trở lại vấn đề sản xuất ô tô và XK, thống kê cho thấy hiện nay trong nước có khoảng hơn 170 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng hơn 600.000 xe/năm. Điểm đáng ghi nhận vài năm trở lại đây là đã có được một, hai hãng lớn trong nước với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô có tiềm lực mạnh để XK.
Thế nhưng, với những hãng lớn này, triển vọng XK ô tô cũng không hề đơn giản. Đã từng có mục tiêu được đưa ra là năm 2020, tổng lượng xe ô ô XK của Việt Nam đạt khoảng 20.000 chiếc và giá trị XK linh kiện và phụ tùng ô tô đạt khoảng 4 tỷ USD; đến năm 2025 tương ứng là 37.000 chiếc và khoảng 5 tỷ USD, đến năm 2035 là 90.000 chiếc và khoảng 10 tỷ USD.
Theo giới chuyên gia, xét về triển vọng thị trường XK ô tô trên thế giới, điều quan trọng là năng lực của DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phải đủ mạnh để cạnh tranh với ô tô của các nước.
Trong khi đó, do thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đang cao hơn thuế suất nhập khẩu linh kiện và thành phẩm đang khiến cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô nội trở nên khó cạnh tranh hơn với ô tô ngoại.
Mặt khác, để gia tăng thêm triển vọng XK ô tô của các DN Việt Nam rất cần triển khai các chương trình liên kết, kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước với các DN lớn trên thế giới để tạo dựng chỗ đứng trên thị trường XK.
Đặc biệt là cần có chính sách trợ lực cho các DN nội địa tiếp cận, đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm ô tô và tham gia chuỗi giá trị với các dòng sản phẩm có lợi thế, đủ sức cạnh tranh để XK.
Thế Vinh