Mới đây, đại diện CTCP dây cáp điện Việt Nam cho biết đã gặp lấn cấn với khách hàng trong việc xuất hoá đơn khi áp dụng hoá đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.
Lấn cấn xuất hoá đơn và khai thuế điện tử
Đơn cử như khi công ty này xuất hoá đơn cho một khách hàng thể hiện số hoá đơn là “00000986”, nhưng khách hàng không đồng ý với lý do: Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định không có các số 000 phía trước. Khách hàng đề nghị công ty phải cam kết việc thể hiện hoá đơn 8 số thì họ mới thanh toán tiền.
![]() |
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách thuế cần lưu tâm để tránh kiểu “tự lấy đá ghè chân mình”. |
Sau đó, công ty đề nghị khách hàng vào trang “hoadondientu.gov.gdt.vn” để tra cứu hoá đơn, trong đó số hoá đơn thể hiện là “986”, nhưng khách hàng vẫn không đồng ý và gửi email yêu cầu công ty phải làm cam kết.
Cũng liên quan đến hoá đơn điện tử, cá nhân ông Lê Hoàng Long (quận 1, Tp.HCM) phàn nàn về những rắc rối đang gặp phải. Cụ thể, ông có 3 hợp đồng cho thuê nhà tại 3 địa điểm khác nhau ở quận 1. Trước đây, khi ông khai thuế điện tử theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC cho từng hợp đồng theo từng kỳ thanh toán ổn định đến hết ngày 31/12/2021 và đều khai thành công cho từng hợp đồng.
Nhưng từ ngày 1/1/2022, ông Long khai thuế điện tử theo Thông tư 40/2021/TT-BTC thì lại gặp vấn đề khi vào trang thuế điện tử (http://canhan.gdt.gov.vn) khi khai thuế cho các hợp đồng cho thuê nhà.
Như lưu ý của ông Long, kể từ khi chuyển sang khai thuế điện tử theo Thông tư 40 thì hệ thống có thay đổi, nhưng cơ quan thuế không có chương trình tập huấn, tài liệu tập huấn cho cá nhân hiểu cách khai của hệ thống mới. Cá nhân ông vẫn khai theo cách cũ trước đây từng làm, nhưng khi thực hiện thì báo lỗi liên tục.
“Hệ thống không cho kê khai, cá nhân tôi rất vất vả nhưng vẫn chưa kê khai được dù đã liên hệ với cơ quan thuế quản lý là Chi cục Thuế quận 1”, ông Long nói.
Không chỉ lúng túng với xuất hoá đơn và khai thuế điện tử, một số chính sách thuế đã và dự kiến sẽ áp dụng đang cho thấy có những bất cập cho hoạt động xuất khẩu (XK), sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và cho cả nông dân, được ví như “tự lấy đá ghè chân mình”.
Như phản ánh mới đây của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) liên quan đến thuế suất XK ống đồng.
Cụ thể, cách đây 2 năm, Nghị định 57/2020/NĐ-CP đã tăng thuế XK với sản phẩm ống dẫn và ống dẫn bằng đồng từ 0% lên 5%. Lý do để tăng thuế tại thời điểm đó là có hiện tượng lợi dụng chuyển đổi đồng nguyên liệu (thuế suất XK 15 - 20%) thành sản phẩm đơn giản bằng đồng như ống dẫn, phụ kiện để ghép nối, với bản chất là XK nguyên liệu nhưng được hưởng thuế suất thấp hơn (thuế suất xuất khẩu 0%).
Lo phản tác dụng
Tuy nhiên, theo phản ánh của giới DN, quy định này lại vô tình áp lên cả các sản phẩm được sản xuất để sử dụng trong các thiết bị điện lạnh - là các sản phẩm được gia công kỹ lưỡng, có giá trị gia tăng lớn, chi phí cao.
“Việc này gây tác động rất tiêu cực đến các DN XK ống đồng dùng cho các thiết bị điện lạnh và một số lĩnh vực khác. Quy định này đang hạn chế khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường thế giới với một ngành hàng sản xuất rất tiềm năng”, VCCI bày tỏ mối băn khoăn.
Chính vì vậy, góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế XK, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, VCCI đề nghị giữ nguyên mức thuế suất đối với các loại ống đồng có đường kính ngoài 50mm (5%) và giảm mức thuế xuất khẩu cho mặt hàng ống đồng có đường kính từ 50mm trở xuống, xuống mức 0%.
Hoặc như việc Bộ Tài chính hồi tháng 4/2022 có đề xuất áp thuế XK 5% với phân bón nhằm mục tiêu kéo giảm giá phân bón. Thế nhưng đề xuất này cũng đang có những ý kiến trái chiều với nỗi lo phản tác dụng.
Như ý kiến của ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (đang sở hữu một loạt công ty con trong mảng phân bón), việc áp thuế với XK phân bón về cơ bản sẽ khó đạt mục tiêu hạn chế XK phân bón và có thể sẽ không giải quyết được chuyện tăng giá phân bón.
Thay vào đó, theo ông Cường, Nhà nước cần áp dụng chính sách thuế linh hoạt với phân bón. Nhất là không nên áp dụng cứng nhắc mức thuế 5%, mà cần linh hoạt với từng sản phẩm và từng thời điểm. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế để tạo cơ hội và dư địa giảm giá cho người nông dân.
Ý kiến khách quan từ giới chuyên gia cũng cho rằng, việc áp thuế XK 5% chưa hẳn sẽ đem lại kỳ vọng về ổn định nguồn cung và giảm giá phân bón trong nước. Không chỉ vậy, nếu áp dụng chính sách này thì nhiều DN XK phân bón (đơn cử như mặt hàng NPK) sẽ gặp khó do đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thị trường chủ lực. Điều này có thể khiến các DN lâm vào cảnh khó khăn.
Ngược lại, thay vì chăm chăm vào chính sách áp thuế, các cơ quan quản lý nên để mắt đến một thực tế đang tồn tại để có giải pháp khắc chế. Đó là việc các công ty phân bón vì muốn tranh giành thị phần nên ra sức đưa ra các chính sách chiết khấu hoa hồng “khủng” cho đại lý với nhiều tầng nhiều lớp. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến cho giá phân bón đến tay người nông dân rất cao như hiện giờ.
Thế Vinh