Giữa lúc Tp.HCM đang triển khai việc thu phí hạ tầng cảng biển từ đầu tháng 4/2022 thì mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ về một số bất cập trong việc này.
Bất cập “phí chồng phí”
Theo đó, việc áp dụng thu phí cảng biển kể từ ngày 1/4 của Tp.HCM khiến số doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là “đặc biệt lớn”. Nhất là khi khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) đi qua các cảng trên địa bàn Tp.HCM là rất lớn.
“Phí chồng phí” là bất cập thấy rõ khi Tp.HCM nhất quyết triển khai thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4/2022 |
Đáng chú ý, theo Ban IV, việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại Tp.HCM và ngoài Tp.HCM là không phù hợp Luật phí, lệ phí và Luật hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các DN tại các tỉnh lân cận, gây xáo trộn trong công tác quản lý.
Cần nhắc lại, từ đầu 3/2022 đã có 7 hiệp hội DN đã phản ánh chuyện này lên Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, HĐND và UBND Tp.HCM.
Trong đó, các DN có lưu ý về chuyện “phí chồng phí” đối với mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Theo các hiệp hội, hiện nay, các DN đều phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT,... Chỉ tính riêng phí BOT, DN đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.
Trong khi đó, hiện tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng, như: phí cầu tàu, phí lưu cont, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ cont.,… Các phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí của DN, giảm năng lực cạnh tranh trong bối cảnh DN hiện gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế xảy ra bởi dịch bệnh Covid-19.
Mặt khác, liên quan đến việc thu phí hạ tầng cảng biển ở Tp.HCM, các hiệp hội cũng nhắc nhở về việc đóng phí hai lần đối với các lô hàng XK phải sử dụng nguyên liệu NK.
Bởi lẽ, hầu hết các DN ngành hàng XK đều có nhu cầu NK nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm, và như vậy DN sẽ phải chịu hai lần phí: một lần cho container hàng NK và một lần cho container hàng XK.
Như vậy, việc thu phí này chưa phù hợp khi DN đang phải trả rất nhiều chi phí phục vụ mục tiêu xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng của các địa phương. Đồng thời, việc này đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, duy trì việc làm cho người lao động.
Và nỗi lo “thuế chồng thuế”
Ngoài vấn đề “phí chồng phí” làm khó DN, thì nỗi lo “thuế chồng thuế” lại đến với những người kinh doanh tại chỗ (offline) xen lẫn trực tuyến (online).
Như mới đây, khi góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý nguy cơ tạo ra nhiều phương pháp thu thuế trùng lặp nhau.
Theo đó, Điều 1.2 Dự thảo quy định các sàn thương mại điện tử (TMĐT) có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn.
Trên thực tế, hiện nay có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh vừa kinh doanh tại chỗ vừa kinh doanh online trên nền tảng TMĐT, chẳng hạn như các cửa hàng ăn uống, cà phê hoặc kinh doanh lưu trú… Khi kinh doanh trên TMĐT, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp riêng thuế cho phần doanh thu này (do sàn TMĐT khấu trừ).
Tuy nhiên, đồng thời, cá nhân kinh doanh đã phải nộp thuế theo phương pháp khoán. Việc xác định thuế khoán (khi thực hiện ấn định thuế) sẽ thực hiện thông qua việc khảo sát của cơ quan thuế, chẳng hạn như số lượng khách trong một ngày của quán, số lượng nhân viên…
“Việc tách riêng phần doanh thu từ kinh doanh online với phần doanh thu từ kinh doanh offline sẽ trở nên khó khăn do việc kinh doanh được thực hiện tại cùng một địa điểm. Liệu có xảy ra việc chồng lấn khi thu thuế hình thức kinh doanh này hay không?”, phía VCCI đặt vấn đề.
Hoặc trong tháng 3 vừa qua, dư luận cũng tranh cãi nhiều quanh một số nội dung của dự Luật thuế tài sản từng được Bộ Tài chính lấy ý kiến. “Thuế chồng thuế” là một trong những nguy cơ đầu tiên mà nhiều chuyên gia chỉ ra khi đánh giá về đề xuất này. Nếu áp thuế tài sản thì phải giảm tiền sử dụng đất xuống và cần có lộ trình để không gây sốc cho thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng với đầu tư kinh doanh bất động sản, hiện Nhà nước đã đánh thuế đầu vào như tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển nhượng, phí trước bạ..., các chi phí đầu vào này đều được tính vào giá nhà ở.
Theo giới chuyên gia, việc áp loại thuế mới chưa chắc hạn chế được đầu cơ, mà lại ảnh hưởng trực tiếp đến những người khó khăn lắm mới mua được nhà đất. Vì vậy, đối với thị trường bất động sản, trước khi ban hành một sắc thuế mới, cần có sự đánh giá kỹ tác động tới thị trường.
Thế Vinh