Đứng ở góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong ngành hàng nông sản thực phẩm, nói về khả năng đưa hàng hóa đi xuất ngoại, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tân Nhiên, cho biết chỉ khoảng hơn một năm trở lại đây công ty mới chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển xuất khẩu (XK), còn lâu nay vẫn chỉ tập trung vào thị trường nội địa.
Cố gắng vừa làm sạch vừa làm tốt
“Cái cách mà chúng tôi đang thực hiện là cố gắng vừa làm sạch vừa làm tốt, như thế đối tác nhập khẩu sẽ tìm đến với mình. Khi đối tác đến dùng thử sản phẩm và cảm thấy nó tốt hơn, tiện lợi hơn so với sản phẩm cùng loại ở bên ngoài thì họ sẽ lựa chọn”, ông Sơn nói.
Nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của DN nhỏ được làm một cách bắt mắt đã thu hút sự chú ý của các nhà mua hàng Nhật Bản. |
Thực ra, như chia sẻ của vị giám đốc kinh doanh này, lúc đầu công ty có cảm giác chưa tự tin tham gia XK. Đó là lý do công ty phải “cập nhật” nhà máy, thay đổi nhân sự, quy trình...để làm sao đưa được những container hàng hóa đầu tiên đi Nhật Bản. Và thành quả tiếp nối khi hiện tại công ty đã và đang phân phối sản phẩm của mình ở 7 quốc gia theo đường chính ngạch.
Có thể thấy việc đi từng bước, chậm mà chắc, có đầu tư bài bản quy trình để hướng đến XK một cách ổn định hơn như một DN nhỏ nêu trên là rất đáng khích lệ. Bởi lẽ, có những DN nhỏ tuy rất háo hức muốn xuất ngoại nhưng năng lực của họ vẫn còn hạn chế rất nhiều, dẫn đến hàng hóa xuất đi “phập phù” lúc được, lúc không.
Là người có nhiều kinh nghiệm nhập khẩu hàng Việt vào thị trường Australia, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, đã thú thật về việc chứng kiến nhiều kho lớn của các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam tại Mỹ, Australia mà trong kho hàng còn chứa nhiều hàng Việt không thể bán ra được thị trường.
Như băn khoăn của ông Luận, có những DN vừa và nhỏ ở Việt Nam nói rằng sản phẩm của mình đã xuất đi thị trường này, thị trường nọ nhưng thực chất sản phẩm vẫn đang nằm trong kho hàng ở nước ngoài, không bán ra được. Điều này là do họ làm chưa tốt ở các khâu.
“Do đó, rất cần các DN nhỏ trong nước có những chuẩn bị khi đưa hàng hóa ra nước ngoài. Họ phải nghiên cứu kỹ, nên tập trung vào một vài thị trường trọng điểm, đầu tư cho thị trường này, phải làm tiếp thị (marketing) hàng ngày trên nhiều nền tảng mạng xã hội, báo chí…, cũng như cần có đội ngũ chăm sóc thị trường ngoại bài bản”, vị giám đốc này nói.
Ông Luận cho rằng khi các DN nhỏ làm việc với nhà phân phối ở thị trường ngoại thì không nên quá đà vào việc phải đưa nhiều sản phẩm XK. Thay vào đó, họ cần chọn lọc, ưu tiên những dòng sản phẩm phù hợp để bán được ra ngoài thị trường. Còn một khi đưa ra sản phẩm thiếu phù hợp dẫn đến nhà phân phối không bán được hàng thì DN cũng mất đi thương hiệu.
Còn với kinh nghiệm nhập khẩu hàng Việt phân phối ở thị trường Mỹ, ông Dương Toàn, đại diện Công ty Lee’s Coffee - một đơn vị chuyên mua hàng đặc sản Việt phân phối cho chuỗi 50 siêu thị của Lee’s Sandwich tại Mỹ, để giúp cho hàng hóa của các DN vừa và nhỏ của Việt Nam có thể “đứng chân” khi xuất ngoại thì bản thân nhà thu mua và phân phối phải luôn đồng hành từng bước đối với họ.
Theo ông Toàn, điều mà bản thân nhà phân phối đang làm là giúp các DN Việt xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường ngoại. Bên cạnh đó, công ty cũng giúp các DN Việt xây dựng nhà xưởng, thực hiện tốt những tiêu chuẩn tại thị trường XK.
Nâng cấp quy trình sản xuất
Trong khi đó, cũng là một DN vừa và nhỏ đang tham gia làm đối tác XK thực phẩm chay cho chuỗi siêu thị Thuận Phát tại Mỹ, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Hương Quê, cho biết công ty đang đầu tư xây hai nhà máy để xuất đồ chay qua Mỹ một cách ổn định hơn.
Theo ông Tuấn, mỗi thị trường có những tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau nên bản thân DN phải biết cách đáp ứng cho thật tốt. Hơn nữa, muốn xuất đi được đòi hỏi DN Việt phải làm thương hiệu đủ mạnh, đủ lớn để cho đối tác nhập khẩu giữ thương hiệu của mình.
Trong vấn đề xây dựng thương hiệu cho DN vừa và nhỏ khi xuất ngoại, giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng đối với giá trị thương hiệu. Theo đó, các DN Việt cần có sự đầu tư đúng đắn và cam kết lâu dài với những thứ mình muốn bán trên thị trường quốc tế. Để làm được điều đó, họ cần thực sự lắng nghe khách hàng, thấu hiểu thị trường ngoại và không ngừng tìm cách đổi mới.
Bên cạnh những chia sẻ nêu trên, điều dễ nhận thấy hiện nay là khi thị trường tiêu dùng nội địa còn khó khăn thì nhiều DN vừa nhỏ đang có xu hướng nhắm đến việc đưa hàng hóa ra thị trường bên ngoài (khảo sát gần đây của Ngân hàng UOB cũng đã cho thấy điều này với 90% DN mong muốn được mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài).
Đây là điều đáng khuyến khích. Bởi vì ngay cả các DN nhỏ ở một số quốc gia cũng đang có các hoạt động quốc tế tại Việt Nam (điển hình là các DN Trung Quốc hoặc Nhật Bản). Và thực tế đã chứng minh là sau khi gia nhập thị trường ngoại thì những DN này phát triển nhanh hơn so với các DN vừa và nhỏ chỉ tập trung vào thị trường nội địa.
Tuy nhiên, để rút ngắn khoảng cách giữa mong muốn với hạn chế hiện tại thì các DN nhỏ của Việt Nam có nhiều việc khắc phục nếu không muốn xuất ngoại kiểu “phập phù”, thiếu ổn định.
Theo giới chuyên gia, các DN nhỏ sẽ phải nâng cấp quy trình sản xuất, công nghệ, cách thức quản lý, tiêu chuẩn lao động, điều kiện nhà xưởng để đủ điều kiện được nhập khẩu vào các thị trường ngoại (đặc biệt là những thị trường khó tính).
Chẳng hạn, để hướng đến XK vào thị trường tiêu dùng cao cấp (như châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) thì các DN vừa và nhỏ trong ngành hàng nông sản thực phẩm chắc chắn sẽ phải cải thiện nhiều vấn đề. Cụ thể là từ kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến nông sản, cho đến các điều kiện, yếu tố, xây dựng thương hiệu và tiếp thị, nền tảng thương mại điện tử và năng lực quản lý tổng thể để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ở những thị trường này.
Mặt khác, khi đã nhắm đến xuất ngoại, các DN vừa và nhỏ sẽ phải vượt qua áp lực đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, kỹ thuật sản xuất, quản lý quá trình sản xuất. Việc đầu tư này có thể tốn kém một nguồn tài chính nhất định, nhưng về lâu dài sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của chính họ trên thị trường quốc tế.
Thế Vinh