Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương cho biết đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình có xuất xứ từ Trung Quốc với thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá là trọn cả năm 2018. Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là từ đầu năm 2015 đến 31/12/2018.
Lo cả "sân nhà" lẫn "sân khách"
Cục PVTM khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế CBPG tạm thời và thuế CBPG có hiệu lực trở về trước.
Đó là chuyện "phòng thủ" trên "sân nhà". Còn trên "sân khách", Cục PVTM lưu ý, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã thông báo tới WTO về kết quả điều tra cuối cùng và biện pháp tự vệ dự kiến sẽ được áp dụng đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu vào EU. Theo đó, EC dự kiến sẽ áp dụng biện pháp tự vệ chính thức dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 26/28 nhóm sản phẩm thép bị điều tra từ 2/2/2019 đến 7/2021.
Trong đó, thép của Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp tự vệ đối với 3/26 nhóm: Thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh; thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; thép tấm mạ kim loại.
Trong vụ việc này, Bộ Công Thương đã theo dõi chặt chẽ diễn biến từ khi EC khởi xướng điều tra và đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) tiếp cận kịp thời các thông tin vụ việc, thường xuyên theo dõi và thông báo lượng nhập khẩu của EU từ Việt Nam để các DN điều chỉnh hoạt động kinh doanh cũng như thể hiện quan điểm chính thức thông qua các kênh song phương, đa phương với EU.
Mặc dù Việt Nam được loại trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với hầu hết các nhóm sản phẩm thép, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục duy trì theo dõi lượng XK thép vào EU (đã tiến hành từ khi có biện pháp tự vệ tạm thời) để cảnh báo nguy cơ các mặt hàng thép XK của Việt Nam trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM mới của EU.
![]() |
Ngành thép liên tục đối mặt với biện pháp PVTM tại thị trường nước ngoài |
Nguy cơ ngày càng lớn
Với lĩnh vực cao su, hôm 18/1 vừa qua, Cục PVTM cho biết đang theo dõi tình hình nhập khẩu các sản phẩm lốp cao su cho xe khách và xe tải của EU từ Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 10/2018, EC đã quyết định áp dụng thuế CBPG đối với mặt hàng lốp xe khách và xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc.
Sau khi EC áp dụng thuế CBPG tạm thời đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, khối lượng XK lốp cao su cho xe khách và xe tải từ Trung Quốc sang EU đã giảm mạnh, trong khi XK mặt hàng này từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng đột biến.
"Việc tăng đột biến của khối lượng XK lốp cao su dùng cho xe khách và xe tải từ Việt Nam sang EU trùng với thời điểm EC áp dụng biện pháp CBPG tạm thời đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế hoặc điều tra CBPG đối với DN XK của Việt Nam", Cục PVTM nhận định.
Có thể thấy việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG ở trong nước và dè chừng biện pháp PVTM từ thị trường XK, cũng như nỗi lo hàng Trung Quốc giá rẻ "đội lốt" hàng Việt để XK dẫn đến bị điều tra CBPG là điều mà Cục PVTM đang lưu tâm. Đặc biệt là trong bối cảnh chỉ tính đến tháng 10/2018 đã có có 141 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa XK của Việt Nam.
Khởi xướng điều tra nhiều nhất là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và EU. Dẫn đầu là các vụ việc điều tra CBPG, tiếp đó là các vụ việc tự vệ, chống lẩn tránh thuế CBPG và các vụ việc chống trợ cấp.
Theo đánh giá, các thách thức về PVTM đối với hàng Việt XK trong thời gian tới ngày càng lớn từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Chuyên gia Trần Thị Liên Hương (Đại học Ngoại thương) cho rằng khi các mặt hàng chủ lực của Việt Nam được hưởng lợi nhiều với hàng rào thuế quan được bãi bỏ theo cam kết của CPTPP, sẽ xuất hiện nguy cơ các nước thành viên Hiệp định áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.
"Khi các rào cản thương mại được gỡ bỏ, đồng thời với lợi thế về nhân công lao động rẻ và chi phí đầu vào thấp, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài nhiều hơn. Tuy nhiên, khi lượng XK hàng hóa tăng đột biến vào thị trường một nước và bán với mức giá thấp, chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với các vụ điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM tại thị trường nước XK", bà Hương lưu ý.
Thế Vinh