Kết quả mới được NielsenIQ (công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu đến từ Mỹ) công bố dựa trên số liệu nghiên cứu tại thị trường Việt Nam trong 1 năm (từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) cho thấy CTCP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã vươn lên top 1 thị phần mảng sữa bột pha sẵn trẻ em tại Việt Nam.
Sáng tạo không ngừng trong phát triển sản phẩm
Cụ thể, theo báo cáo, doanh số của thương hiệu sữa nội địa nêu trên trong mảng sữa bột trẻ em pha sẵn chiếm đến 42,3% thị phần sản lượng, gấp 2,6 lần so với doanh nghiệp (DN) đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng.
Các DN nội địa trong ngành F&B cần tìm cho được những “trợ thủ đắc lực” cho mình để ngược sóng vượt khó trong thời gian tới. |
Thành tích này không chỉ khẳng định năng lực cạnh tranh của thương hiệu sữa Việt Nam với các “gã khổng lồ” đa quốc gia trên thế giới mà còn thể hiện rõ nỗ lực ngược sóng vượt khó của DN nội địa trên thị trường F&B Việt Nam vốn thường xuyên đối mặt sức ép cạnh tranh gay gắt và có mức độ đào thải cao.
Như chia sẻ của ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood, đó là nhờ công ty có được “trợ thủ đắc lực” từ việc đa dạng và phong phú các dòng sản phẩm. Nhất là sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm ngoại nhập của các công ty đa quốc gia trên thế giới, khẳng định giá trị thương hiệu Việt.
Có thể nói sữa là mảng kinh doanh năng động hàng đầu trong ngành F&B Việt. Song song đó là sự cạnh tranh khốc liệt của khoảng 200 DN hoạt động trong ngành sữa. Để giành lấy thị phần từ các đối thủ ngoại trên thị trường sữa, đang đòi hỏi các DN nội địa phải có chiến lược cạnh tranh riêng (từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối, xây dựng thương hiệu, cạnh tranh về giá cả…).
Không chỉ ở mảng sữa, với các DN nội địa nói chung trong ngành F&B, để vượt khó và tránh khỏi tình cảnh bị đào thải trong thời kỳ kinh tế còn khó khăn, đang cần họ phải nỗ lực nhiều hơn nữa thông qua việc tìm cho được những “trợ thủ đắc lực”.
Như thông tin được iPOS.vn công bố tại diễn đàn về ngành F&B tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 21/8, trong nửa đầu năm 2024 có ít nhất 30.000 cửa hàng F&B trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế. Tính tới hết tháng 6/2024, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng, giảm 3,9% so với số liệu từ năm 2023.
Qua khảo sát của iPOS.vn, các DN F&B đang ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh vào các tháng cuối năm nay. Có tới 61,2% DN chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi đó, 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới.
Như chia sẻ của ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc CTCP iPOS.vn, nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, đặt ra không ít thách thức cho lĩnh vực F&B.
Thực tế cho thấy không nhiều DN F&B có thể tăng trưởng tốt trong giai đoạn này. Tuy vậy, các DN nội địa vẫn có thể “ngược sóng” tìm phương án để cải thiện tình hình kinh doanh, đón đầu các xu hướng tiêu dùng mới. Theo ông Hùng, các DN F&B Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền. Đồng thời, họ có sự sáng tạo không ngừng trong việc phát triển sản phẩm.
Chú trọng R&D giữa cạnh tranh ngấm ngầm nhưng dữ dội
Giới chuyên gia cho rằng điều quan trọng mà các DN F&B nội địa cần làm để vượt khó trong thời gian tới là tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình, đổi mới sáng tạo và cách tân, thay đổi cách thức vận hành để thích ứng linh hoạt trước xu hướng mới của thị trường.
Theo đó, có 3 vấn đề mà các DN F&B cần lưu ý. Thứ nhất là những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Thứ hai là sự thay đổi các yếu tố trong thị trường như nhân khẩu học, kinh tế vĩ mô. Thứ ba là áp lực đến từ các đối thủ cạnh tranh.
Đứng ở góc độ của một DN hàng đầu về sản xuất kinh doanh các loại bánh trong ngành F&B, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), nhấn mạnh điều quan trọng là phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng. Hơn nữa, việc đầu tư, cải tiến cho máy móc, công nghệ, nhà xưởng phải xem là ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, có hai hình thức đổi mới sáng tạo chủ yếu và trong ít nhất 3 năm tới mà các DN F&B cần làm. Thứ nhất là tập trung vào đổi mới sản phẩm, dịch vụ. Thứ hai là đổi mới phương thức và chiến lược truyền thông, marketing.
Ngoài ra, các DN F&B cũng nên chú ý nhiều hơn đến tệp khách hàng Gen Z (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012), tuy là nhóm đối tượng trẻ tuổi nhưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thậm chí là những “nhà lãnh đạo xu hướng” trong ngành F&B. Đây được xem là tương lai và động lực cho đổi mới sáng tạo của ngành F&B Việt.
Bởi lẽ, như dự báo trong vòng 10 năm tới, Gen Z sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số người tiêu dùng và sẽ là nguồn doanh thu chính cho ngành F&B Việt. Như chia sẻ của ông Kao Siêu Lực, đây là nhóm tiêu dùng “xài tiền bạo” hơn so với thế hệ trước đó.
Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, “trợ thủ đắc lực” mà các DN F&B cần phải theo sát, nuôi dưỡng cảm hứng, động lực và có hiệu quả chính là bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Như trường hợp công ty của ông Kao Siêu Lực đã ra được sản phẩm mới một cách đều đặn và hiệu quả cao cũng là nhờ vào bộ phận quan trọng này.
Thực ra, với khâu R&D, nếu như các DN F&B nội địa còn lơ là, thiếu quan tâm thì bản thân những nhân sự làm ở đây cũng sẽ rời đi khi mà đang có cuộc cạnh tranh ngấm ngầm nhưng rất dữ dội giữa các DN trong lĩnh vực này. Cho nên các DN F&B cần có hiểu biết, phải duy trì bộ phận R&D và nên song hành với bộ phận am hiểu thị trường để có thể vượt khó và đạt tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Thế Vinh