Chia sẻ tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp (DN) Bangladesh và DN Việt Nam do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 7/8, ông Md. Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Dhaka (DCCI) của Bangladesh, nhấn mạnh các DN Việt Nam có thể coi Bangladesh là “cửa ngõ” để thâm nhập và mở rộng sang thị trường Nam Á (bao gồm Afghanistan, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka).
Nhìn từ “cửa ngõ” Bangladesh
Vị chủ tịch DCCI cũng kêu gọi các nhà DN Việt Nam đầu tư vào Bangladesh vì đây là quốc gia có cơ chế đầu tư ấn tượng và cạnh tranh nhất ở Nam Á với các lợi ích tài chính và phi tài chính đa dạng, cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Các nhà mua hàng từ khu vực Nam Á dành sự quan tâm, tìm hiểu thông tin để tiến tới nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. |
Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm 9,3% tổng xuất khẩu (XK) của Việt Nam đến Nam Á. Tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2024, XK từ Việt Nam sang quốc gia này ước đạt kim ngạch 505 triệu USD. Các mặt hàng XK chính bao gồm clanhke và xi măng, xơ sợi dệt các loại, hàng dệt may, chất dẻo nguyên liệu, và nguyên phụ liệu dệt may.
Riêng kim ngạch XK của Tp.HCM sang Bangladesh trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 36,57 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng mà DN ở thành phố này xuất sang gồm: Hạt tiêu (5 triệu USD); rau củ quả (1,8 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,3 triệu USD); vải các loại (3,3 triệu USD)…
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho rằng đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác giao thương giữa DN Việt Nam và Bangladesh theo hướng hiệu quả hơn khi cả hai đều có nhu cầu tìm kiếm đối tác và thị trường mới. Điều kỳ vọng là các DN Việt tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng và các cơ hội hợp tác kinh doanh XK.
Nhìn về triển vọng trong thời gian tới, ông Md. Ashraf Ahmed bày tỏ niềm tin các công ty Việt Nam sẽ coi Bangladesh là điểm đến đầu tư và kinh doanh hiệu quả, khám phá những tiềm năng kinh doanh bổ ích. Điều này rất cần cả hai nước đẩy nhanh các nghiên cứu khả thi để tìm hiểu khả năng ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), tiến hành nghiên cứu chung để xác định các rào cản phi thuế quan cũng như đưa ra các biện pháp khắc phục nhằm xúc tiến thương mại.
Không chỉ Bangladesh, với khu vực Nam Á nói chung vẫn luôn là thị trường nhập khẩu hàng hóa đầy màu mỡ để các DN Việt khai phá. Mặc dù vậy, hiện nay các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng từ thị trường quan trọng này (là thị trường có quy mô lớn khi nhiều nước có số dân nằm trong nhóm 10 nước đông dân nhất trên thế giới), thậm chí là thiếu những thông tin cần thiết hoặc thiếu quan tâm.
Chẳng hạn như Pakistan là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng XK của Việt Nam, từ hàng nông sản truyền thống cho đến các mặt hàng tiêu dùng. Nước này hiện là thị trường XK chè lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu của năm 2024 với 16.072 tấn, tuy vậy đã giảm 13% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
Chủ động gia nhập chuỗi giá trị mới
Để mở rộng thị phần XK hàng hóa vào Pakistan, giới chuyên gia khuyến nghị các DN Việt cần tăng cường, quảng bá giới thiệu hàng hóa, chủ động tìm kiếm đối tác qua các kênh giao thương chính thống.
Còn với thị trường lớn nhất ở Nam Á là Ấn Độ, rất cần các DN Việt có cái nhìn thấu đáo để thâm nhập sâu hơn. Ts. Majo George, chuyên gia quản trị chuỗi cung ứng và logistics thuộc Đại học RMIT, lưu ý với tiềm năng thị trường rộng lớn của Ấn Độ, các công ty Việt Nam nên tìm hiểu cơ hội XK, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà họ có lợi thế cạnh tranh.
Theo Ts. George, việc thiết lập mạng lưới phân phối và quan hệ đối tác ở Ấn Độ có thể mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường của DN Việt. Các DN có thể xem xét đầu tư và hội thảo với chuyên gia Ấn Độ để xây dựng năng lực nhằm có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và kinh doanh hiệu quả ở thị trường này. Thông qua những nỗ lực chủ động của mình, các DN Việt có thể gia nhập chuỗi giá trị mới ở nước này.
Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới vào năm 2027 nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Hiện tại, nước này đang đứng ở vị trí số 5 sau Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Mỹ. Tuy nhiên dự báo chi tiêu, tiêu dùng của người dân Ấn Độ sẽ tăng 29% trong vòng hai năm tới, giúp quốc gia đông dân nhất thế giới tiến thêm hai bậc trên bảng xếp hạng nói trên.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp những nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI), khẳng định Ấn Độ là thị trường cực lớn, nhiều DN Việt chỉ cần có 1-2 hợp đồng với Ấn Độ thì có thể xuất được lượng hàng rất lớn và thực tế thì chỉ cần xuất vào Ấn Độ thôi cũng không sản xuất kịp.
Tuy nhiên, để chinh phục được thị trường nghìn tỷ USD này, các DN Việt cần phải vượt qua nhiều thách thức rất lớn, đặc biệt về văn hóa, tôn giáo, phân tầng xã hội và những quy định pháp lý đặc thù.
Với quy mô dân số 1,4 tỷ dân, và nền kinh tế lớn thứ 3 tính theo sức mua, ông Chia Zhi Wei, chuyên gia tư vấn người Singapore chuyên về hỗ trợ DN xuất khẩu vào Ấn Độ, cho biết Ấn Độ hiện là thị trường tiêu dùng lớn thứ ba, với mức chi tiêu dự kiến sẽ tăng từ 1,5 nghìn tỷ USD hiện nay lên gần 6 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Để các DN Việt Nam có thể “đứng chân” ở thị trường lớn nhất khu vực Nam Á này, ông Chia Zhi Wei có lời khuyên là cần chú ý đến tầm quan trọng của mạng lưới kinh doanh và các mối quan hệ. Đây là điều hết sức quan trọng, thành công trong kinh doanh ở Ấn Độ có thể dựa chủ yếu vào việc xây dựng niềm tin và mối quan hệ tích cực lâu dài với các đối tác. Bên cạnh đó, các mối quan hệ cá nhân cũng đóng một vai trò quan trọng để DN Việt có thể kinh doanh ở đây.
Nói chung, để mở đường chinh phục thị trường nghìn tỷ USD ở khu vực Nam Á đang rất cần sự nhanh nhạy hơn nữa của các DN Việt. Họ nên tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, cơ hội XK, chớp cơ hội trong những lĩnh vực mà bản thân DN có lợi thế cạnh tranh. Nhất là chủ động gia nhập chuỗi giá trị mới, thiết lập mạng lưới phân phối và quan hệ đối tác ở khu vực Nam Á nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường.
Thế Vinh