Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy một bức tranh không mấy sáng về "sức khỏe" doanh nghiệp (DN), triển vọng phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm nay. Theo đó, 6 tháng đầu 2021 có 70,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Vượt khó để phục hồi
Báo cáo mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất lớn. Nếu các DN bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản DN sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ đi liền với tốc độ thực hiện miễn dịch cộng đồng trong tiêm vắc xin phòng COVID-19. |
Đặc biệt, với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều DN sẽ buộc phải rút khỏi thị trường. Như vậy sẽ dẫn tới đình đốn ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, kéo theo đó là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kinh ngạch xuất khẩu sẽ sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu ngân sách nhà nước. Những vấn đề về thất nghiệp, gánh nặng chi an sinh xã hội của Nhà nước theo đó sẽ gia tăng đáng kể.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành nông nghiệp vừa diễn ra, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, trước diễn biến của dịch COVID-19, thị trường của nhiều mặt hàng nông sản bị đứt gẫy, nhiều HTX nông nghiệp đã gặp khó khăn. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng chỉ ra, trong bối cảnh khó khăn, các HTX đã rất nỗ lực vượt lên, không có chuyện giải thể như khu vực DN. Thế nhưng, dù nỗ lực vượt qua, thì quy mô sản xuất của các HTX vẫn rất nhỏ bé.
Tuy hoạt động sản xuất - kinh doanh rất khó khăn, song GS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng chỉ ra những kết quả khả quan mà nền kinh tế đạt được trong thời gian qua. Cụ thể, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, riêng quý II xấp xỉ bằng với mức tăng trưởng đạt được ở thời điểm trước khi chưa có dịch.
Điều này thể hiện sức chống chịu của nền kinh tế, sự vượt lên khó khăn của khu vực HTX, DN. "Những chỉ số tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu, thu ngân sách cho thấy nền kinh tế của chúng ta ở "sức khoẻ" khá, tiên lượng phục hồi phát triển tốt", ông Đạt nhận định.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra những thách thức cần phải vượt qua. Cụ thể, nền kinh tế đang ở trong trạng thái nhập siêu - trạng thái này nếu là tạm thời để nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo ra sản phẩm thì không đáng lo. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là có nhập khẩu lạm phát hay không khi mà giá nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng cao trong thời gian qua? Theo đó, cần kiểm soát tốc độ tăng giá chi phí đầu vào của nền kinh tế, để nâng cao khả năng chống chịu của khu vực HTX, DN.
Cần giải pháp hỗ trợ phù hợp
GS. Trần Thọ Đạt cho rằng, hiện nay, kịch bản tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào "biến số" kiểm soát COVID-19 tới đâu. Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ đi liền tốc độ thực hiện miễn dịch cộng đồng trong tiêm vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, những ngành chịu tác động nặng nề nhất từ dịch COVID-19 như du lịch, hàng không, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... sẽ là ngành phục hồi nhanh nhất khi nền kinh tế phục hồi.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021, quý III và IV cần tăng trưởng trên 7%. Ông Đạt nhìn nhận dư địa tăng trưởng của Việt Nam còn nhiều, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ, cơ hội xuất khẩu lớn.
"Xuất khẩu, đầu tư công, tiêu dùng là 3 "cỗ xe" cần đẩy mạnh để giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng trong năm nay", ông Đạt lưu ý.
Trong khi đó, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, thời gian qua, Việt Nam triển khai gia hạn thời gian nộp thuế. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh khó khăn, lợi nhuận thấp, thuế phải nộp không cao nên biện pháp này hiệu quả không cao như các biện pháp tài khoá trực tiếp khác. Những hỗ trợ trong thời gian tới cần tập trung cho DN nhỏ và vừa, HTX, lao động nghèo. Ngắn hạn hỗ trợ bằng tiền để trang trải cuộc sống, dài hạn là hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề cho người dân.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Lê Đức Thịnh cho biết, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bằng cách sửa Luật, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ thường xuyên như tăng cường đào tạo, xây dựng hệ thống thí điểm tổ tư vấn kỹ thuật, giải quyết bài toán nâng cao năng lực cho cán bộ HTX. Đặc biệt, đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX để giúp khu vực này đứng chắc hơn trong chuỗi giá trị.
"Vừa rồi, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đang phối hợp xây dựng đề án hỗ trợ HTX về đầu tư hạ tầng, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững", ông Thịnh thông tin.
Theo VCCI, do tình hình mới của dịch COVID-19, Việt Nam cần chuyển mạnh sang giai đoạn mới vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa sản xuất liên tục an toàn. Cụ thể, VCCI đề nghị nhanh chóng ban hành quy định pháp luật một cách thống nhất dựa trên thực tiễn triển khai Chỉ thị 15, 16 và 19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch khác với tiêu chí đánh giá cụ thể theo mức độ rủi ro của tình hình dịch để tạo thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc áp dụng cũng như phối hợp với các địa phương khác. Đồng thời, có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các HTX, DN ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các DN thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch COVID-19.
Ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam kiến nghị cần rút ngắn thời gian cách ly với chuyên gia khi nhập cảnh vào Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho các DN nước ngoài hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Jacques Morisset Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Để phòng ngừa rủi ro lạm phát trong ngắn hạn, Việt Nam cần phối hợp hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nếu chỉ thúc đẩy nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ như hỗ trợ tín dụng cho DN, về lâu dài có thể dẫn tới rủi ro. Trong khi đó, Việt Nam còn nhiều dư địa triển khai chính sách tài khoá. Ông Đào Nam Phong Đại diện Tập đoàn Sơn Hà Trong thời buổi khó khăn khiến việc sản xuất kinh doanh hạn chế, đây chính là cơ hội để DN tập trung tập trung đào tạo, cải tổ sản xuất. Việc đưa ra sản phẩm mới tạo cơ hội để tăng doanh thu cho DN. Điều này cũng nằm trong kịch bản mà DN dự liệu, nhìn thấy khó khăn phải chắt chiu cơ hội dù là nhỏ nhất. TS. Cấn Văn Lực Chuyên gia kinh tế Một số dự báo từng lạc quan cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 7%, nhưng tác động từ việc đại dịch bùng phát trở lại cần được đánh giá kỹ hơn trong các dự báo tăng trưởng. Đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, nên thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là rất lớn. Đặc biệt, chúng ta không chủ quan với lạm phát, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho kinh tế năm tới. |
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |