Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61%, 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.
Không có gì bất thường
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành, quyết liệt của Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng DN, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng GDP quý II/2021 đạt 6,61% so với cùng kỳ. |
Tuy nhiên, trước băn khoăn về việc liệu kết quả trên có bất thường khi làn sóng COVID-19 lần 4 vẫn đang tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, đại diện Tổng cục Thống kê đã có những lý giải cụ thể.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), kết quả tăng trưởng GDP không có gì bất thường, bởi kết quả này đạt được khi so sánh với mức tăng GDP của quý II/2020 rất thấp. Ông Hiếu lý giải, do thời điểm đó Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, trong đó các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng rất thấp.
Kết quả tăng trưởng ấn tượng, song phân tích kỹ thì hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2021 cho thấy, có tới 31,8% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III/2021 vẫn còn 22,2% số DN dự báo khó khăn hơn.
Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), số lượng DN thành lập mới trong tháng 6/2021 đã xuất hiện xu hướng giảm. Theo đó, cả nước có 11,3 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,9 nghìn người, giảm 2,5% về số DN và giảm 0,4% về số lao động so với tháng 5/2021.
Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm nay có tới 70,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. "Dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động nặng nề tới cộng đồng DN. Sau một năm rưỡi, khá nhiều DN đã chấp nhận bỏ cuộc", ông Thúy chia sẻ.
Đồng thời, làn sóng COVID-19 bùng phát cũng tác động lớn tới sản xuất chế biến - chế tạo, hoạt động của các khu công nghiệp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt đỉnh vào tháng 4/2021, tuy nhiên giảm mạnh trong tháng 6/2021. Đáng nói, 6 tháng đầu năm, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 8,91%. Nếu không có làn sóng COVID-19 bùng phát, dự kiến tăng 12-13%.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh... Cụ thể, COVID-19 khiến chỉ số sản xuất công nghiệp Bắc Giang chỉ tăng 9% trong 6 tháng 2021, trong khi dự kiến có thể tăng 30-40%, Bắc Ninh chỉ tăng trên 10%, thay vì con số dự kiến gần 20%.
Thách thức còn lớn
Trước thực tế trên, ông Thúy cho biết, ưu tiên hàng đầu vẫn là phòng dịch và dập dịch. Đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh làn sóng COVID-19 thứ 4 đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp. Do đó cần phải xây dựng một quy trình hiệu quả với sản xuất kinh doanh cho những tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn, nhiều khu công nghiệp như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương…
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%. |
Bên cạnh đó, ông Thuý cũng đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính cho DN như: Giãn nợ, tái cơ cấu nợ, giảm thuế thu nhập DN…
Còn theo ông Hiếu, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 là 6,1% sẽ là thách thức rất lớn. Theo đó, 6 tháng cuối năm cần đạt mức tăng GDP trên 7%. Trong khi đó, năng lực nội tại của nền kinh tế đang rất yếu. Dịch COVID-19 đang tấn công trực tiếp vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy vậy, ông Hiếu cho biết sức cầu thế giới đang phục hồi mạnh, nhiều nền kinh tế lớn thế giới phục hồi sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, XK của DN Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.
"Tổng cục Thống kê sẽ liên tục cập nhật kịch bản tăng trưởng để Chính phủ chỉ đạo điều hành, chỉ đạo các tỉnh, thành có giải pháp phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực để đạt được mức tăng trưởng cao nhất", ông Hiếu nói.
Đồng thời, đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, nếu Chính phủ có giải pháp đồng bộ thì vẫn có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế – xã hội còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, DN và người dân.
Trước mắt, Chính phủ cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, cùng với đó là nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc xin trong dài hạn. Tiếp tục thực hiện các giải pháp DN có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế. Chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp.
Lê Thúy