Qua vấn đề “khủng hoảng” thịt lợn hiện nay, Bộ Công Thương mới đây nhận định việc quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập bởi tình trạng chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ (hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng với quy mô nhỏ lẻ đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước, chiếm khoảng 65-70% về đầu con).
Bất cập quy hoạch
Do đó, việc tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào những tiểu thương (cá nhân) mua gom và tự giết mổ bán cho giới tiểu thương tại các chợ. Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.
Tuy nhiên, trong vấn đề bất cập quy hoạch này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, đã thẳng thắn nêu ra thực tế là chúng ta có rất nhiều cuộc “giải cứu” mà đáng lẽ không nên có bởi chế độ báo cáo của các tỉnh với Bộ Nông nghiệp rất chặt chẽ, số liệu đều có nhưng sao không báo động sớm? Trong khi đó, cơ quan quản lý không làm chủ được quy hoạch, tại sao chỉ trách nông dân?
Từ những khó khăn trong ngành chăn nuôi lợn cho thấy, cũng như các mặt hàng nông nghiệp khác, “chuỗi giá trị” lại được nhắc tới như một giải pháp gốc để giải quyết vấn đề, song đó chính là điểm yếu của ngành chăn nuôi lợn hiện nay.
Nghiên cứu tại một địa phương điển hình là huyện Chương Mỹ (Hà Nội) về chuỗi giá trị ngành này, Ts. Bùi Thị Nga (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, trong chuỗi, người nông dân chịu chi phí rất cao (93,15%) nhưng đạt lợi nhuận thấp (29,49%). Trong khi đó, các tác nhân khác có chi phí gia tăng trong chuỗi thấp nhưng tỷ lệ lợi nhuận đạt khá cao.
Theo Ts. Nga, đó là minh chứng rõ ràng cho thấy lợi nhuận được tạo ra trong chuỗi không được phân phối đều, tương ứng với chi phí bỏ ra của các tác nhân mà đối tượng thiệt thòi nhất chính là các hộ chăn nuôi.
Trên thực tế, các vấn đề lớn nhất của hộ chăn nuôi lợn hiện nay là giá thành chăn nuôi cao, rủi ro về dịch bệnh, rủi ro thị trường, khiến thu nhập từ chăn nuôi thấp và bấp bênh. Đây cũng là vấn đề chung trong các chuỗi giá trị nông sản khác của Việt Nam.
Ts. Nga nhận định giá trị gia tăng được phân phối chưa công bằng, không tương xứng với công sức và chi phí bỏ ra của các tác nhân. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra quản lý chất lượng của các cơ quan chức năng còn một số hạn chế. Tất cả điều đó làm chuỗi giá trị hoạt động chưa hiệu quả và về lâu dài, tất cả các tác nhân hoạt động trong chuỗi hiện nay sẽ đều không có lợi.
![]() |
Chuyện “khủng hoảng” thịt lợn cho thấy quy hoạch ngành chăn nuôi đang tồn tại nhiều bất cập
Tìm giải pháp gốc
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), cách đây hai năm, cả nước đã có 35/63 tỉnh, thành phố có các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị.
Cụ thể, ở nước ta hiện nay đang có hai hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi là liên kết theo đường đi của sản phẩm, từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang).
Về liên kết dọc, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. Điển hình triển khai mô hình này là công ty CP Việt Nam, tập đoàn Dabaco, công ty Emivest, công ty Japfa…
Như vậy, theo Ts. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, vai trò của DN trong mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị rất quan trọng, có tính quyết định tới việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi một cách bền vững.
Còn trong mô hình liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (điển hình là các hợp tác xã, tổ hợp tác…) liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là thu hút các DN có khả năng thu mua, chế biến và đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi.
Ở mô hình này, các doanh nghiệp có tính chất quyết định để đẩy mạnh lượng cầu trong chăn nuôi. Do đó, Ts. Sơn khuyến nghị các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi cho những DN cung cấp đầu vào hoạt động, lựa chọn những DN có uy tín, chất lượng. Đồng thời, vai trò của các hộ gia đình, tổ nhóm, hợp tác xã chăn nuôi không thể thiếu trong chuỗi liên kết này.
Cũng để giải quyết phần gốc của vấn đề, Ts. Nga lưu ý, cần có những chính sách riêng cho phát triển chăn nuôi như ưu đãi về đất đai, thuế, vốn sản xuất để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Hơn nữa, điều quan trọng là quản lý chặt chẽ chất lượng và giá cả thức ăn chăn nuôi, có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, từng bước hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi lợn.
Đối với chính quyền địa phương, qua bài học “khủng hoảng” thịt lợn lần này, cũng nên xây dựng quy hoạch chi tiết cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với quy hoạch của địa phương và đảm bảo theo quy định của Nhà nước để không phải tái diễn chuyện giải cứu.
Thế Vinh