Lo ngại này được Bộ Công Thương đưa ra khi đánh giá về tình hình xuất khẩu (XK) của Việt Nam trong năm 2019.
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch XK tháng 3/2019 ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả quý I/2019, tổng kim ngạch XK ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 24,5% của của quý I/2018.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 29,1% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,7%, chiếm 70,9%.
Khối ngoại "hắt hơi"
Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý I/2019 có xu hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng bởi những diễn biến kém tích cực của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các nền kinh tế chủ chốt, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và việc Anh rời khỏi EU (Brexit) có những diễn biến hết sức phức tạp.
Trong đó, nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,59 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 9,56% trong tổng kim ngạch XK.
Trong những tháng đầu năm 2019, XK nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn do một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá XK giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại… Thống kê cho thấy kim ngạch XK 7/9 mặt hàng trong nhóm này có sự sụt giảm trong quý I/2019.
Cụ thể, kim ngạch XK thủy sản giảm 1,4%, rau quả giảm 8,6%, cà phê giảm 23,8%, gạo giảm 23,6%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 23,6%. Trong khi đó, hạt điều dù khối lượng XK tăng 4,7% nhưng kim ngạch giảm 17,2%; hạt tiêu tăng 18,5% về lượng nhưng giảm 14,7% về kim ngạch.
Quý I/2019, giá XK của nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018 như: nhân điều giảm 20,9%, cà phê giảm 10%, hạt tiêu giảm 28%, gạo giảm 13,7%, cao su giảm 10,9%.
Đáng chú ý, XK mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện – mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, có dấu hiệu suy giảm khi giảm 4,3% trong quý I/2019, chỉ đạt 12,05 tỷ USD.
Trong mảng điện thoại, sản lượng Samsung bán ra trên thế giới chỉ còn 70,4 triệu chiếc trong quý IV/2018, mức thấp nhất trong suốt 6 năm. Samsung đang nỗ lực giữ vị trí dẫn đầu thị trường thế giới, với 20,3% thị phần điện thoại, nhưng tỷ lệ này đang thu hẹp dần vì các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp Samsung, đặc biệt là ở Ấn Độ – nơi được xem là thành trì kiên cố nhất của Samsung.
Sự sụt giảm nhu cầu đối với mặt hàng điện thoại di động phân khúc cao cấp trên toàn cầu trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ còn ảnh hưởng đến kim ngạch XK của mặt hàng này nói riêng và của Việt Nam nói chung trong thời gian tới.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chỉ tiêu tăng trưởng XK năm 2019 Quốc hội giao là khoảng 7-8%, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng 8-10%.
Để đạt mức tăng trưởng 8%, kim ngạch XK cần đạt 263 tỷ USD. Như vậy, XK 9 tháng tiếp theo phải đạt khoảng 205 tỷ USD, tức là bình quân một tháng phải đạt khoảng 22,7 tỷ USD. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh kỳ vọng thương mại quốc tế diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.
Dự báo hoạt động XK tiếp tục tăng trưởng chậm lại |
Kỳ vọng vượt khó khăn
Bộ Công Thương dự báo trong quý II/2019, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa mặc dù vẫn tăng trưởng, song tốc độ tăng sẽ không cao như cùng kỳ năm 2018 do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Nhận định triển vọng XK nhóm hàng nông, thủy sản, Bộ Công Thương cũng cho rằng không mấy khả quan do giá giảm trong bối cảnh cung vượt cầu một số mặt hàng như cao su, hạt tiêu, cà phê…
Trong khi đó, với ngành thủy sản, hải sản Việt Nam vẫn chưa được Ủy ban châu Âu (EC) gỡ "thẻ vàng". Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết hiện nay, ngành thủy sản vẫn đang tiếp tục thực hiện các khuyến nghị mà phía EC đưa ra, tuy nhiên khó khăn nhất là việc triển khai trên thực tiễn.
Ts. Nguyễn Việt Hùng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng nền kinh tế đang đối diện với xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng.
Nhiều quốc gia nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình XK hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.
Cùng với đó, diễn biến thị trường ngoại hối cũng khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ – Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn; các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh (USD, EURO…) để hạn chế thiệt hại, đặc biệt là Trung Quốc.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến biến động tỷ giá trên thị trường ngoại tệ của Việt Nam, gia tăng rủi ro trong thanh toán quốc tế, từ đó gây bất lợi cho hoạt động XK và tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hơn 70% tỷ lệ XK có được là từ khối FDI, trong đó có DN chiếm đến 25% giá trị XK; hơn 50% ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam nằm trong tay khối FDI. Điều này chứng tỏ mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào FDI là rất lớn.
Hiện nay, Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực (đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu) nên sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu phục vụ cho các DN FDI và các chuỗi sản xuất của nước ngoài, dẫn đến nền công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa tự chủ và bị các chuỗi sản xuất của nước ngoài chi phối. Đó chính là lý do khi "ông lớn" Samsung gặp khó khăn, XK Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách để định hướng các nguồn lực xã hội vào khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, do trình độ còn hạn chế, Nhà nước cần có chủ trương nhất quán trong dài hạn, phân bổ nguồn lực đủ lớn hỗ trợ các DN chế biến chế tạo đạt trình độ khu vực và quốc tế để tận dụng tối đa lợi ích các FTA mang lại.
Đây là giải pháp căn cơ để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn, củng cố nội lực, tự cường của đất nước.
Lê Thúy
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Để kịp thời có những giải pháp thúc đẩy XK, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương phối hợp đánh giá nguyên nhân suy giảm tăng trưởng XK đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành; dự báo xu hướng tăng trưởng sản xuất, XK trong cả năm 2019… Đồng thời, tổ chức các đoàn đi làm việc trực tiếp với các địa phương (Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng…) để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và XK. Ts. Nguyễn Việt Hùng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Khi có quá nhiều các FTA đan xen giữa các quốc gia sẽ làm giảm lợi ích thu được từ một FTA. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng mức thuế ưu đãi thông qua FTA tại các quốc gia châu Á là khá thấp (trung bình 4 DN mới có 1 DN sử dụng được, ở Việt Nam là khoảng 37%) do quy mô DN nhỏ, cũng như thông tin giúp DN tiếp cận FTA chưa được thực hiện tốt. Đây là điều mà cơ quan chức năng cần phải lưu ý nếu muốn tận dụng được cơ hội từ các FTA. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản của Vasep DN và Bộ NN&PTNT cần tiếp tục cùng thực hiện các khuyến nghị của EC, nhanh chóng gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU, tạo tâm lý tốt để các nhà nhập khẩu yên tâm đặt hàng nhiều hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện cho DN gia tăng nhập khẩu nguyên liệu hải sản hợp pháp để gia công, chế biến XK theo hướng có chọn lọc đối tượng khách hàng nhằm đảm bảo đạt giá trị XK cao. |