Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Thời gian tới, Đảng, Nhà nước ta phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn, khi mà một kinh nghiệm rút ra là "ở đâu cấp ủy, người đứng đầu quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt, ở đó nông nghiệp, nông thôn sẽ cùng phát triển".
Bỏ "con trâu đi trước..."
Báo cáo tóm tắt về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá Nghị quyết đạt nhiều kết quả mang tính đột phá, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Đó là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến việc khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá…
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng được nhiều sự ủng hộ với 3.060 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả tạo ra 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề.
Đặc biệt, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Trong đó, đã có nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát tiển kinh tế hộ gia đình.
Năm 2017, cả nước có 11.688 HTX nông nghiệp, 1.154 HTX phi nông nghiệp, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân với 4,4 triệu thành viên, 1,58 triệu lao động, tổng tài sản 51.168 tỷ đồng. Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả tăng từ 10% năm 2012 lên 33% năm 2017. Đặc biệt, tại một số địa phương đã phát triển nhiều hình thức liên kết đa dạng.
Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại như nông nghiệp chủ yếu là nông hộ nhỏ thiếu liên kết, dễ tổn thương trước biến động của thị trường và thiên tai, dịch bệnh. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao. Thu nhập bình quân của nông dân năm 2017 chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Tôi không muốn nêu thành tích quá nhiều mà chủ yếu muốn nói những bất cập, tồn tại để chúng ta khắc phục, làm sao tốt hơn trong thời gian tới".
Cụ thể, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua chú trọng nhiều vào xuất khẩu, trong khi đó lại bỏ quên thị trường trong nước, điều này dẫn đến người dân không được sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt, trong khi nhu cầu ngày càng cao.
Về nguồn lực, đầu tư nông nghiệp vẫn manh mún, chủ yếu do người dân, tổ chức hội chứ chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, DN nhà nước làm nông nghiệp để trở thành xu hướng. Tính đến nay mới có khoảng 8% DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nhiều tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư thành công vào Việt Nam nhưng con số vẫn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam.
"Phải bỏ thói quen "con trâu đi trước, cái cày theo sau" thì mới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra hàng loạt bất cập, hạn chế tồn tại cố hữu trong ngành và tư duy người nông cần thay đổi để thích ứng với thời cuộc, như: mô hình sản xuất thô sơ, kết cấu rời rạc và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu thiếu khoa học, không an toàn.
Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ khó khả thi nếu "sức khỏe" khu vực tư nhân không được cải thiện |
HTX là đầu tàu
"Còn tình trạng việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức. Đây là vấn đề cần lưu ý, đảm bảo hướng nền nông nghiệp Việt sạch, an toàn và cần phải nghiêm trị kẻ đưa phân bón, thuốc trừ sâu quá mức vào sản phẩm tiêu dùng", Thủ tướng nhắc nhở.
Xây dựng thương hiệu mới bước đầu được chú trọng, hiện Việt Nam có trên 90.000 sản phẩm nông nghiệp nhưng chỉ 15% là có thương hiệu nổi tiếng, còn nhiều sản phẩm khác chưa có thương hiệu.
"Trong thập kỷ tới hay một vài thập kỷ ngắn tới đây, Việt Nam đứng ở đâu? Chúng ta đứng trong tốp 15 nước về nông nghiệp được không?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Tại Hội nghị "Diên Hồng" về tam nông này, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được quan tâm chia sẻ. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ về mô hình hội quán nông dân. Theo đó, tại các buổi sinh hoạt hội quán, DN đưa vào kiến thức về thị trường, trồng trọt để phổ biến cho người nông dân, tiến tới hợp tác trong sản xuất kinh doanh và cách làm mô hình HTX kiểu mới đem tới lợi ích cho thành viên.
Hơn nữa, Bí thư tỉnh Đồng Tháp cho rằng hai "điểm liệt" là chất lượng kém và chi phí sản xuất cao của ngành nông nghiệp cần phải giải quyết bằng mô hình kinh tế hợp tác. "Tôi nghĩ rằng kinh tế hợp tác, HTX là đầu tàu tái cơ cấu nông nghiệp. Ở đó, nông dân tự nguyện, hiểu bản chất, lựa chọn con đường của mình, thay vì trông chờ Nhà nước dẫn dắt, giải cứu nông sản", ông Hoan nói.
Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng nếu xem HTX là một đầu tàu của nền nông nghiệp, Chính phủ nên có một nghị định riêng về HTX nông nghiệp. HTX gắn kết mua chung, bán chung, hoạt động chung, kích hoạt kinh tế hộ trong từng ngành hàng phát triển.
Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phải do DN, HTX, hộ nông dân thực hiện, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Trong đó, thu hút DN là yếu tố quan trọng, gián tiếp giúp người dân học tập mô hình sản xuất hiện đại. Đồng thời, nông dân tham gia HTX, tổ hợp tác để tạo thành chuỗi liên kết. DN, HTX là đầu tàu của chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra cho nông dân.
Ở góc độ DN, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, chỉ ra những nút thắt trong phát triển tam nông là chính sách đất đai, chi phí logistics cao và thiếu vốn. Những vấn đề này đã nói nhiều nhưng chưa được tháo gỡ đáng kể, thậm chí do thiếu vốn mà "tín dụng đen" đang có cửa hoành hành ở nông thôn.
Lê Thúy
Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân - Thào Xuân Sùng Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từng hộ sản xuất nhỏ lẻ không thể thực hiện được chuỗi giá trị. Chỉ có cách liên kết với nhau mới đủ năng lực xuất khẩu nông sản và làm gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết sẽ giúp tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đồng đều, có chất lượng và giá trị cao, phục vụ hiệu quả hơn cho việc xây dựng thương hiệu. Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ cho nhà đầu tư, DN, HTX và hộ nông dân khi đầu tư làm ăn trong nông nghiệp. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa. Nông nghiệp Việt Nam không có HTX, DN thì sẽ bất thành công. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Lộc Trời - Huỳnh Văn Thòn Tiếp tục khuyến khích mở rộng các mô hình kinh tế tập thể theo nguyên tắc ba chung: chung vốn, chung đất đai và chung nguồn nhân lực. Đồng thời, đào tạo cho nông dân những phương pháp canh tác áp dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học kỹ thuật, các mô hình chăn nuôi công nghiệp, dần dần giúp nông dân tự nhận thức trong sản xuất, không những chú trọng vào việc "trồng cây gì, nuôi con gì" mà còn phải biết trồng và nuôi bằng cách nào, như thế nào để có hiệu quả kinh tế cao nhất. |