Các chuyên gia, DN, cơ quan quản lý cùng thảo luận về giải pháp phát triển nền nông nghiệp Việt Nam |
Đây là một trong rất nhiều kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TW).
Sáng 27/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị trực tuyến và triển lãm quốc gia Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông).
Trước đó phục vụ chương trình hội nghị tổng kết là ba hội thảo chuyên đề được tổ chức vào chiều 26/11, với nhiều nội dung, như: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng thời, triển lãm về tam nông cũng đã diễn ra với quy mô quốc gia nhằm trưng bày các thành tựu phát triển, các mô hình, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tiêu biểu; các dịch vụ về tín dụng, nhân lực, khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giữa các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu tiềm năng, cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Báo cáo tóm tắt về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về Tam nông đánh giá, đây là một Nghị quyết toàn diện về Tam nông với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng.
Sau 10 năm triển khai, Nghị quyết đạt nhiều kết quả mang tính đột phá, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25% năm 2017; tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2% năm 2017.
Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến việc khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá... Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008.
Giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng được nhiều sự ủng hộ với 3.060 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả tạo ra 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ là 13,7%, tăng 5,5% so với năm 2018.
Đặc biệt, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Trong đó, đã có nhiều HTX kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình.
Năm 2017, cả nước có 11.688 HTX nông nghiệp, 1.154 HTX phi nông nghiệp, 1.183 quỹ TDND với 4,4 triệu thành viên, 1,58 triệu lao động, tổng tài sản 51.168 tỷ đồng. Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả tăng từ 10% (năm 2012) lên 33% (năm 2017) và phát triển nhiều hình thức liên kết đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc thực hiện Nghị quyết 26 về Tam nông vẫn còn những tồn tại như: Nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Vì vậy, sự kiện này nhằm đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, những thành tựu đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26. Trên cơ sở đó đề ra những quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển Tam nông đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Nhật Linh