Câu chuyện bế tắc trong tiêu thụ nông sản tại tỉnh Hải Dương đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2021, tuy nhiên tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi TP. Hải Phòng ban hành văn bản không tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương. Ngay sau đó, tỉnh Hải Dương đã đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện lưu thông hàng hóa.
Chi phí bị 'đội' vì kiểm dịch
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, công ty này vừa nhận được công văn về việc Hải Phòng cho phép hàng hóa Hải Dương vào thành phố này nếu đáp ứng đủ điều kiện nhất định về phòng chống COVID-19.
Chi phí vận chuyển nông sản tăng vì COVID-19. |
"Đây là tin vui đối với chúng tôi. Tuy nhiên, việc đáp ứng các điều kiện trên cũng đồng nghĩa thực tế phải chấp nhận rằng tiến độ, thời gian giao hàng có thể chậm chễ hơn, chi phí phát sinh cao hơn", bà Hồng nói.
Theo đại diện Ameii, công ty đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông sản và xác định rằng trong dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh doanh sẽ rất khó khăn, nên sẽ cố gắng hết sức để vượt qua giai đoạn này.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương), cà rốt không quá lo lắng về áp lực quá lứa thu hoạch nhưng sợ nhất sẽ bị lỡ các đơn hàng xuất khẩu. Năm nay, cà rốt của HTX Đức Chính vẫn nhận được các đơn hàng xuất khẩu khá tốt sang nhiều thị trường như Malaysia, Nhật Bản, các nước Trung Đông.
Mỗi ngày, HTX này có khoảng từ 30-35 container (tương đương khoảng 800 tấn/ngày) phải vận chuyển qua địa bàn TP. Hải Phòng để xuất khẩu bằng đường biển sang các nước. Điều đó có nghĩa, nếu quá trình vận chuyển hàng hóa không được suôn sẻ thì rất có thể ảnh hưởng đến thời gian giao hàng.
Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cũng nhìn nhận, hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn đã làm cho một số sản phẩm nông nghiệp đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được. Việc lưu thông hàng hóa qua một số tuyến đường khó khăn (đặc biệt hàng hóa qua Chí Linh đi Bắc Ninh, Bắc Giang). Lái xe tìm cung đường khác để đưa hàng hóa đi tiêu thụ nên tăng chi phí vận chuyển, do vậy nhiều công ty, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc cắt giảm sản lượng tiêu thụ ở ngoài tỉnh để chờ khi hết dịch mới hoạt động bình thường trở lại.
Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T phàn nàn, một năm qua chi phí vận chuyển đường biển cao hơn 3 lần, còn đường hàng không cao hơn gấp 2 lần so với trước khi xảy ra dịch bệnh.
"Chúng tôi đã chấp nhận một thực tế rằng có khi chi phí vận chuyển này khó có thể quay trở lại về mức như chưa có dịch bệnh. Nhất là khi khâu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đa phần đều do các hãng tàu biển, hàng không quốc tế đảm nhận", ông Tùng nói.
Cần tạo thuận lợi hơn
Chi phí tăng cao, đồng nghĩa với sự cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường thế giới không tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Những ngày đầu năm mới Tân Sửu 2021, đại diện Vina T&T cho biết, doanh nghiệp này đã xuất khẩu được khoảng 100 tấn trái cây tươi các loại sang các thị trường như Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc. "Sở dĩ đơn hàng nhiều cũng một phần vì nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, đơn hàng được dồn để thực hiện ngoài Tết", ông Tùng chia sẻ.
Về chi phí vận chuyển nội địa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, đối với vận tải hàng hóa, không có ngăn sông cấm chợ. Đó là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và cũng được thể hiện trong văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT.
Cụ thể, Bộ GTVT đã giao cho địa phương có thẩm quyền quyết định trong vận tải nội tỉnh kể cả hành khách, hàng hóa. Đối với vận tải ngoại tỉnh, có thể thông báo cho các tỉnh liên quan về vận tải hành khách, tăng cường biện pháp phòng, chống, còn vận tải hàng hóa lưu thông bình thường. Tuy nhiên phải kiểm soát dịch.
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch. Trong đó, có 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá.
Sản lượng ước tính khoảng 90.767 tấn. Cụ thể, hành ước khoảng 56.000 tấn nhưng chủ yếu được bảo quản tại nông hộ và tiêu thụ nội địa. Bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá cũng chủ yếu tiêu thụ nội địa. Cà rốt 26.766 tấn nhưng có đến 90% là xuất khẩu, chỉ có 10% tiêu thụ nội địa đang gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển và tiêu thụ.
Để bảo đảm việc phòng dịch và vận chuyển nông sản được thuận lợi, Sở NN&PTNT đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, các Sở, ngành có liên quan tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản (cà rốt, hành, tỏi, bắp cải, súp lơ,... ) được ra vào các địa phương được thuận lợi.
Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cũng đề nghị hệ thống y tế ưu tiên lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân người lao động và lái xe của các cơ sở sơ chế, đóng gói cà rốt trên địa bàn các xã: Đức Chính, Cẩm Văn, (Cẩm Giàng) và Tiền Tiến (TP. Hải Dương) và trả lời kết quả sớm để các doanh nghiệp, cơ sở có thể quay trở lại hoạt động ngay từ ngày 15/2/2021 cho kịp thời vụ.
Xe vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương vào Hải Phòng phải đáp ứng điều kiện nào?
Mới đây, UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào TP Hải Phòng.
Lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất; giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp vận tải xác nhận lái xe được ăn ở và quản lý tập trung; tuân thủ tuyệt đối các biện pháp "5K" về phòng chống dịch của Bộ Y tế; phun khử khuẩn bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho toàn bộ hàng hóa và phương tiện... |
Thy Lê