Điển hình, Taxi Vinasun công bố kết quả kinh doanh quý 2 với số lãi 57 tỷ đồng, mức cao nhất tính theo quý kể từ năm 2017 đến nay.
Tiết giảm chi phí để thích ứng áp lực cạnh tranh
Phân tích cho thấy các khoản chi phí của hãng taxi truyền thống này đều giảm (như các chi phí về bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính…), giúp lợi nhuận sau thuế biến động mạnh, gấp 5 lần so với quý đầu năm và chênh lệch lớn so với khoản lỗ 66 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021.
![]() |
Chủ động dự trữ nguyên liệu với giá tốt, tiết giảm chi phí sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm nâng sức cạnh tranh... sẽ giúp các DN Việt cải thiện được lợi nhuận trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay. |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, app (ứng dụng) trên điện thoại của Vinasun khá hay và giá trên app khá hợp lý, có những lúc còn rẻ hơn taxi công nghệ như Grab. Chính nhờ giá taxi cạnh tranh ngang ngửa với Grab đã giúp cho Vinasun “chuyển bại thành thắng”, “chuyển lỗ sang lãi” sau khoản thời gian lận đận, lỗ lên lỗ xuống vì cạnh tranh không lại với taxi công nghệ.
Từ đó để thấy, đây cũng là điều mà các doanh nghiệp (DN) nội địa cần tham khảo trong giai đoạn đầy biến động như hiện nay. Các DN cần thích ứng tốt trước áp lực cạnh tranh để nâng cao năng lực của mình, đầu tư vào công nghệ, tiết giảm các chi phí để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh nhằm thu hút nhiều khách hàng về phía mình.
Và, trong chuyện “chuyển bại thành thắng” cũng cần phải kể đến trường hợp của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP).
Hồi năm ngoái, kết thúc năm tài chính, Nhựa Bình Minh chỉ đạt 41% kế hoạch lợi nhuận năm. Điều đó được Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Ngân lý giải một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận.
Không chỉ vậy, giá nguyên liệu nhựa đã tăng 1,6 lần và có nhiều thời điểm đạt mức giá cao chưa từng có, trong khi phía công ty chưa tranh thủ thời điểm để tích trữ nguyên liệu có mức giá tốt vào thời điểm đầu năm.
Còn trong quý 2/2022 vừa qua, báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy lợi nhuận của Nhựa Bình Minh tăng đến 247% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.
Uyển chuyển dự trữ nguyên liệu với giá tốt
Doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh trong quý 2/2022 đạt 1.555 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng nhưng giá vốn hàng bán lại giảm giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 12,9% lên 25,1% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 391 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Để tăng được lợi nhuận khả quan như vậy, theo đánh giá từ Chứng khoán Bản Việt (VCSC), là nhờ Nhựa Bình Minh tăng giá bán tốt để bù đắp chi phí nhựa đầu vào cao. DN cũng có khả năng chốt tồn kho hạt nhựa nguyên liệu đầu vào với giá thuận lợi, dẫn tới biên lợi nhuận khả quan hơn.
Qua đó để thấy việc chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu đầu vào với mức giá thuận lợi là cực kỳ quan trọng với các DN ngành nhựa nếu muốn tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt khi từ đầu năm đến nay có những thời điểm mà nhiều nguyên vật liệu đầu vào của ngành nhựa đã tăng 30-50%.
Chính vì vậy, để lật ngược tình thế, điều cần thiết chính là việc dự trữ hàng tồn kho. Như Phó tổng giám đốc của Nhựa Bình Minh từng chia sẻ hồi đầu năm nay, đó là công ty phải luôn theo dõi sát giá nguyên liệu để có chiến lược tích trữ tồn kho tại thời điểm giá tốt.
Ngoài ngành nhựa, trong việc chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu với giá tốt giúp tăng lợi nhuận cần phải kể đến trường hợp của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia - IDI ở ngành thuỷ sản.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 vừa công bố cho thấy doanh thu thuần của IDI đạt 2.386 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ghi nhận khoảng 1.956 tỷ đồng, chỉ tăng 16% giúp biên lợi nhuận gộp tăng lên 18% so với 8% cùng kỳ năm ngoái.
Việc tăng lợi nhuận một cách khả quan của IDI được lý giải là do công ty chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu giá tốt và giá cá tra xuất khẩu trên thị trường tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ.
Việc chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu giá tốt cũng được cho là nhờ sự uyển chuyển trong chính sách thu mua nguyên liệu của lãnh đạo DN. Chủ tịch IDI Lê Thanh Thuấn đã từng chia sẻ khi giá cá tra nguyên liệu trên thị trường giảm xuống mức thấp hồi cách đây 2 năm (dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg), các hộ nuôi liên kết với IDI vẫn được Công ty mua vào theo hợp đồng với giá 22.000 - 25.000 đồng/kg. Công ty chấp nhận chịu thiệt, chi một khoản tiền lớn để bù lỗ vào sự chênh lệch. Tuy giảm lợi nhuận kinh doanh nhưng IDI mong muốn được đồng hành cùng bà con nông dân vượt qua khó khăn để yên tâm duy trì vùng nuôi.
Rồi sau đó, từ quý 4/2021 cho đến nay, dù giá cá nguyên liệu tăng cao, nhưng phía IDI không còn phải chịu phần chênh lệch như vậy nữa. Việc chủ động nguồn nguyên liệu giúp Công ty tận dụng được tình hình thuận lợi của thị trường.
Nhìn chung, qua quan sát của VnBusiness với một số DN Việt đạt lãi lớn trong quý 2/2022, thấy chủ yếu nhờ từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Điều này chứng tỏ DN rất tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính thay vì các hoạt động khác. Và để đạt lợi nhuận tốt thì buộc DN phải cải thiện từ khâu tiết giảm chi phí, dự trữ nguyên liệu, đầu tư công nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh sao cho thật hiệu quả.
Thế Vinh