Phân tích về việc xuất khẩu (XK) quả sầu riêng Việt Nam trong thời gian tới, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn xuất - nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết ngoài thị trường Trung Quốc cần phải nhắm đến các thị trường như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…
Giữ chất lượng chung và tuân thủ tiêu chuẩn
Theo bà Vy, đây là những thị trường hỗ trợ và bổ trợ cho sản phẩm sầu riêng của Việt Nam trong hơn 2 năm nay khi mà chúng ta mất thời gian đàm phán với Trung Quốc để XK chính ngạch.
Để giữ được những thị trường tiềm năng đòi hỏi các DN xuất khẩu rau quả cần giữ gìn chất lượng chung và tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn. |
Với doanh nghiệp (DN) mình, như chia sẻ của bà Vy, Công ty Chánh Thu đã XK sang tất cả thị trường nêu trên và gần như là đơn vị tiên phong vào những thị trường khó tính. Tuy vậy, điều quan trọng để phát triển, giữ được các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc chính là tiêu chuẩn chất lượng phải tuân thủ.
Không những thế, theo Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu, đó còn là ý thức của các DN trong việc gìn giữ thị trường, cạnh tranh giá cả, cũng như về chất lượng.
Đặc biệt là thời gian qua, việc đàm phán để đưa trái sầu riêng vào những thị trường khó tính như Australia, Nhật Bản là điều không dễ dàng. Hơn nữa, để khách hàng những nước này thay đổi hành vi tiêu dùng từ việc mua sản phẩm của Malaysia hay Thái Lan sang mua sầu riêng của Việt Nam cũng là cả thách thức lớn.
“Ngoài sự cố gắng nhiều từ phía Thương vụ ở các thị trường nêu trên cùng những DN đi đầu trong hoạt động XK này, tôi mong các DN phải làm sao giữ gìn chất lượng chung”, bà Vy nhấn mạnh.
Có thể thấy, không chỉ riêng với XK quả sầu riêng, những trăn trở của Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cũng là trăn trở chung của DN hoạt động XK rau quả khi cần phải nắm được “chìa khoá” để giữ các thị trường tiềm năng ngoài thị trường Trung Quốc.
Nhất là khi trong nửa đầu năm nay, theo thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam - đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch. Số thông báo tăng khoảng 9% so cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thị trường tiềm năng như Nhật Bản lại có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%, xếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ, Đài Loan, ASEAN, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Australia, Trung Quốc.
Tránh gây thiệt hại lớn
Ts. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết trong số 504 thông báo nêu trên thì có tới 319 thông báo liên quan đến thay đổi các biện pháp về quản lý an toàn thực phẩm của các sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Như vậy có thể thấy, những thay đổi này chiếm tới hơn 63%, là điều mà các DN XK rau quả cần hết sức lưu tâm.
Điển hình, EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/913 sửa đổi Quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm XK vào EU có hiệu lực từ tháng 7/2022, có liên quan đến đến một số sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam XK vào EU.
Đơn cử như thanh long, EU tiếp tục duy trì trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục 2, Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793, giữ tần suất kiểm tra 20%. Đối với một số nông sản khác, EU giữ tần suất kiểm tra 50% đối với: Mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà, đậu bắp và ớt thuộc giống Capsicum.
Để hạn chế vi phạm, SPS Việt Nam lưu ý DN xuất khẩu trái thanh long cần phải kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép thuốc bảo vệ thực vật (MRL) theo yêu cầu của EU, chú ý nhóm chất Dithiocarbamates.
Với thị trường EU, ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty international Fresh Group - chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường EU, đã nói thật rằng không ít DN của Việt Nam bị loại ngay từ ban đầu vì chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Cần lưu ý thêm, có tình trạng khi kiểm dịch dư lượng thuốc bảo vệ thực ở Việt Nam đảm bảo chất lượng, nhưng ra thị trường quốc tế lại bị xác định nhiễm dư lượng, gây thiệt hại rất lớn đối với DN.
Theo chia sẻ của phó giám đốc một DN xuất khẩu xoài ở tỉnh Đồng Tháp, hồi tháng 2/2022, công ty XK 5 tấn xoài sang thị trường Australia. Trước khi xuất hàng, DN đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong nước về kiểm tra chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Thế nhưng, khi đến Australia, sau 3 lần kiểm tra, phía đối tác cho biết lô hàng bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và buộc phải thiêu hủy, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Thiệt hại đã xảy ra, nhưng điều lo lắng nhất của DN là về lâu dài, các đối thủ sẽ lợi dụng tình hình này gây ảnh hưởng đến uy tín của trái xoài Việt Nam.
Hoặc như trường hợp XK xoài cát chu vào thị trường Nhật Bản. Hồi đầu năm 2022, Nhật Bản thông báo dừng nhập khẩu xoài do sự cố một số DN xuất khẩu đóng gói nhầm xoài khác loại vào lô xoài cát chu của Việt Nam trong khi quốc gia này chỉ nhập khẩu xoài cát chu trồng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, phải mất 5 năm đàm phán, Nhật Bản mới chấp nhận nhập khẩu xoài cát chu của Việt Nam.
Và phải đến cuối tháng 3/2022, Nhật Bản mới nhập khẩu trở lại loại xoài cát chu của Việt Nam, tuy nhiên có kèm theo các yêu cầu chi tiết hơn đối với các nhà vườn, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý (hơi nước nóng 47 độ trong 20 phút) và quá trình kiểm dịch cũng như vận chuyển hàng hóa, phải đảm bảo về mã số vùng trồng thì mới được chấp nhận. Các vùng trồng phải có mã số do phía Nhật phê duyệt, cơ sở đóng gói không đóng cho 2 thị trường cùng lúc…
Thế Vinh