Như phản ánh gần đây từ một số DN thuỷ sản, muốn “giữ chân” tại các siêu thị trong nước, họ buộc phải tăng chiết khấu. Điều này ảnh hưởng đến việc phát triển sản phẩm cũng như tăng nguồn cung thủy sản nội địa vào các kênh phân phối hiện đại.
Chi phí nhiều, thách thức lớn
Hơn thế nữa, trong khi giá thu vào ở kênh phân phối siêu thị đứng yên trong nhiều tháng, DN thuỷ sản luôn đối mặt với khoản chi phí đầu vào tăng như: Tỷ giá, lãi suất, giá điện, giá nước, chi phí logistics, cước vận tải và cả đề xuất về tăng tiền lương tối thiểu vùng theo năm.
Rõ ràng, có khá nhiều bất lợi cho phía DN để đưa mặt hàng thuỷ sản Việt vào thị trường bán lẻ nội địa. Một đánh giá từ Câu lạc bộ (CLB) DN cung cấp hàng thuỷ hải sản đông lạnh cho thị trường nội địa (thuộc VASEP) cách đây 2 năm từng cho thấy kênh bán lẻ hiện đại ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ của DN thuỷ sản ở thị trường nội (chiếm đến 68%), trong khi kênh truyền thống chỉ còn 32%.
Về tỷ lệ cung ứng hàng chế biến thuỷ hải sản cho kênh hiện đại còn khá khiêm tốn (khoảng 44%), còn lại phần lớn là sơ chế. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH TM Sài Gòn Food, Phó chủ nhiệm CLB, cho biết để nâng cao đươc chất lượng thuỷ sản tại thị trường nội địa đòi hỏi DN cần cam kết sản xuất đúng tiêu chuẩn, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện tại, cập nhật thông tin thị trường và hệ thống phân phối.
Song song đó, theo bà Lâm, đối với nhà phân phối cũng nên có mức chiết khấu phù hợp để DN có chi phí nâng cao chất lượng. Đồng thời, cần kiểm tra sản phẩm đầu vào đảm bảo các tiêu chuẩn công bố và định kỳ 1 năm/lần kiểm tra nhằm đánh giá sản phẩm, quy trình sản xuất của nhà cung cấp.
Còn như nhận định của ông Ngô Quang Tú (Cục Chế biến, Thương mại nông lâm_thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT), thách thức lớn trong việc phân phối lưu thông tại thị trường nội địa là người tiêu dùng Việt thu nhập còn thấp, dễ tính nên đòi hỏi chất lượng sản phẩm chưa cao, thói quen tiêu dùng sản phẩm tươi sống hoặc đã chế biến có chất lượng trung bình và thấp.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây, ông Tú cho rằng chi phí vận tải, lưu thông và phân phối cao đã góp phần nâng giá bán. Chính điều này làm hạn chế sức tiêu thụ khi DN thường xuyên đối mặt với phí cầu đường, chi phí đưa sản phẩm mới vào siêu thị, khuyến mãi, chiết khấu, thuê mặt bằng…
Có thể thấy chi phí gia tăng ở mức cao là điều đáng nói trong chuyện này. Đơn cử như “đại gia” trong ngành thuỷ sản là công ty CP Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) đã trải qua giai đoạn khó khăn chồng chất trong hoạt động sản xuất kinh doanh với một phần nguyên nhân đến từ gánh nặng chi phí quá lớn.
Mức chiết khấu, chi phí đầu vào gia tăng khiến DN thuỷ sản Việt khó tiếp cận thị trường nội địa |
Gặp khó trên “sân nhà”
Những “đại gia” khác như “vua tôm” Minh Phú – tức Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hay công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Thủy sản Vĩnh Hoàn) cũng không thoát khó khăn trong nhiều năm vì đội chi phí bán hàng, chi phí quản lý.
Hơn nữa, chi phí nguyên liệu tăng trong khi tốc độ tăng giá bán chưa theo kịp, ảnh hưởng nhất định đến các DN. Một cuộc họp mới đây của các DN thuỷ sản thuộc CLB hàng nội địa VASEP cho thấy tình hình biến động giá nguyên liệu thuỷ sản: nếu giữa năm 2017, giá cá tra nguyên liệu dao động 24.000 – 25.000 đồng/kg thì tới cuối năm đã tăng 25% lên 29.000 – 30.000 đồng/kg.
Đến cuối tháng 3/2018, giá cá đầu vào tiếp tục tăng lên mức 32.000 – 32.500 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, giá cá đã tăng gần 35%. Điều đáng nói, trong khi giá nguyên liệu tăng, thậm chí khan hiếm, việc các DN thương lượng tăng giá bán với các kênh bán lẻ hiện đại dường như không nhận được sự cảm thông, phải “dậm chân tại chỗ”.
Chưa kể, mức lương tối thiểu được đề xuất tăng hàng năm liên tục và ở mức cao (năm 2018 tăng 6,5% so với 2017) khiến chi phí sản xuất tăng, đặc biệt đối với các DN sử dụng nhiều lao động như ngành thủy sản, chi phí lương chiếm trên 70% giá gia công sản phẩm.
Một chủ DN thuỷ sản chia sẻ: Với giá nguyên liệu cao, cộng thêm với chi phí lao động ngày một tăng cùng nhiều loại chi phí gia tăng khác, làm sao DN thuỷ sản Việt chịu nổi. Không còn con đường nào khác là phải thu hẹp sản xuất để tồn tại và cũng khó mà trụ vững trên thị trường sân nhà.
Để cải thiện việc tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản tại thị trường nội địa, nhất là khâu phân phối lưu thông, giới chuyên gia khuyến nghị nên thực hiện đồng loạt các biện pháp giảm chi phí vận tải, chi phí đưa sản phẩm vào siêu thị, có chiết khấu hợp lý, để có được giá bán phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng.
Đồng thời, khâu phân phối phải chia sẻ thông tin thị trường và công khai chính sách thu mua với nhà sản xuất, nhất là nên ưu đãi cho sản phẩm thuỷ sản mới, như giảm chi phí đối với sản phẩm mới đưa vào hệ thống siêu thị.
Còn đối với các DN chế biến thuỷ sản, bên cạnh việc tiết giảm chi phí, điều quan trọng là nên xây dựng chiến lược và kiên định thực hiện chiến lược đối với thị trường trong nước. Sản phẩm thuỷ sản sản xuất ra phải đảm bảo chất lượng, có giá cả phù hợp, cũng như đa dạng hóa, tiện lợi hoá sản phẩm để “giữ chân” người tiêu dùng Việt.
Thế Vinh