Tại Tp.HCM hiện có khá nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, bao bì, thực phẩm, hóa chất… ở khu vực có đông cộng đồng người Hoa sinh sống (quận 5, 6, 8, 10, 11, quận Bình Tân).
Số cơ sở này rất lớn, dù chỉ là hộ kinh doanh nhưng thực chất quy mô hoạt động còn hơn nhiều những DN nhỏ và vừa, thậm chí có hộ kinh doanh đạt doanh thu đến cả trăm tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên đến nay, nhiều hộ kinh doanh vẫn né tránh chuyển đổi thành DN như khuyến khích của chính quyền Tp.HCM.
Nhiều dấu hỏi
Trong một lần góp ý về chính sách hỗ trợ DN nhỏ, Ts. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, có cho rằng nếu chuyển đổi được phần lớn hộ kinh doanh ở khu vực trên thì việc gia tăng số lượng DN cho Tp.HCM là rất lớn.
Nhưng không riêng gì khu vực trên, việc né chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN đang là tình trạng chung ở nhiều quận, huyện của Tp.HCM.
Một số liệu thống kê mới đây đã thể hiện rõ điều này khi tính đến giữa tháng 3/2018 mới chỉ có 677 hộ kinh doanh ở Tp.HCM chuyển lên DN. Con số này thực tế chỉ đạt 3,39% so với chỉ tiêu của Tp.HCM đề ra trong năm 2018 là chuyển 20.000 hộ kinh doanh lên DN.
Ngoài những lý do khách quan như phần lớn các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, có tâm lý lo ngại phát sinh chi phí, không quen với việc phải lưu trữ chứng từ, sổ sách kế toán, do hạn chế về kiến thức, kỹ năng điều hành DN, chính sách pháp luật liên quan tới ngành nghề kinh doanh, câu hỏi đặt ra là liệu việc chuyển đổi với tỷ lệ thấp này có liên quan gì đến sự lũng đoạn của nền kinh tế ngầm.
Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần làm rõ. Nhất là khi kinh tế ngầm được giới chuyên gia nhìn nhận là chiếm tỷ lệ không nhỏ trong phần trăm GDP.
Điều đáng nói hơn, một cuộc tổng điều tra kinh tế hồi năm ngoái cho thấy con số hộ kinh doanh cá thể ở Tp.HCM không phải là 281.000 như trong báo cáo trước đó, mà con số thực tế lên đến 448.000.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi là số lượng gần 170.000 hộ kinh doanh được phát hiện mới này từ trước đến nay đóng thuế cho ai. Trách nhiệm của cán bộ quản lý thuế ở đâu.
Có ý kiến cho rằng cơ quan thuế, cũng như các cơ quan quản lý khác gặp khó khăn trong việc thuyết phục hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN vì đến nay chưa có văn bản nào quy định rõ những quyền lợi mà hộ kinh doanh được hưởng khi chuyển đổi mô hình.
Còn nhiều dấu hỏi xung quanh việc các hộ kinh doanh cá thể né chuyển đổi lên DN |
Có phải tại thuế?
Tuy nhiên, liệu việc áp dụng chính sách tính thuế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế có lợi cho hộ kinh doanh hơn DN như hiện nay có phải là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn nhưng vẫn không muốn chuyển đổi lên DN? Đây có phải là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Tp.HCM.
Một thống kê từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hồi năm 2017 cho thấy cả nước có khoảng 4,671 triệu hộ kinh doanh với tổng tài sản ước tính 655.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7,945 triệu lao động.
Trong số này, khoảng 80% hoạt động trong ngành công nghiệp – xây dựng; 20% trong ngành thương mại dịch vụ, trong đó tập trung vào bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (45%), lưu trú, ăn uống (16%).
Như chia sẻ trước đây của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cả nước đang có hơn 4 triệu hộ kinh doanh hoạt động trong khu vực phi chính thức và hơn 1 triệu DN hoạt động trong khu vực chính thức, nhưng họ chưa phải là DN.
Do đó, việc chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN phải là chương trình then chốt, mang tính quyết định giúp hoàn thành mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.
Một vấn đề được đặt ra là thủ tục về thuế, về đăng ký kinh doanh ảnh hưởng gì đến sự chậm trễ chuyển đổi này. Theo giới chuyên gia, có vẻ như mức thuế cao và hệ thống quản lý thuế có nhiều thay đổi khiến cho nhiều hộ kinh doanh có xu hướng tìm cách né tránh các rào cản này thông qua việc hối lộ các cán bộ thuế và thực hiện các hành vi trốn thuế.
Trong khi đó, mới đây, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh bên lề buổi đối thoại giữa Cục Thuế Tp.HCM với DN, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế, cho rằng ngành thuế vẫn đang tiếp tục cải thiện nhằm tạo thuận lợi về thuế cho DN, hướng dẫn, khuyến khích các DN sử dụng các giao dịch điện tử với cơ quan thuế, vận động DN nộp thuế, khai thuế, hoàn thuế điện tử và năm 2018 sẽ triển khai rộng khắp, nhất là khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, qua trao đổi, nhiều hộ kinh doanh cá thể ở Tp.HCM cho biết khá mơ hồ về các giao dịch điện tử với ngành thuế, nhiều DN cũng còn lúng túng với hóa đơn điện tử.
Thế Vinh