Tại Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu ngày 14/5, nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu đã đồng loạt kêu khó về những bất cập trong quản lý thị trường này hiện nay.
Hội thảo thu hút rất đông doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên khắp cả nước. |
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty CP thương mại Dầu khí Đồng Nai, phản ánh dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang dành quá nhiều ưu ái cho DN đầu mối như được nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước và bán cho các đại lý; còn thương nhân phân phối chỉ được mua của các đầu mối trong nước và bán cho cửa hàng trong hệ thống của mình, không được mua chéo của nhau.
“Ở khu vực Nam Bộ, nhiều DN xăng dầu đóng cửa, chết hàng loạt”, ông Phụng phản ánh.
Với dự thảo Nghị định mới, ông Đỗ Thanh Hán, giám đốc một công ty xăng dầu tại TP.HCM, bày tỏ ông cảm giác dự thảo này chưa mới vì cơ bản vẫn là quy định cũ của Nghị 83, 95 trước đây, có chăng chỉ bổ sung thêm một số quy định về quỹ bình ổn giá, hạn chế quyền kinh doanh của thương nhân phân phối, bán lẻ. Trong khi, dự thảo tập trung các quyền cho thương nhân đầu mối cả đầu vào và đầu ra.
Theo ông Hán, 2 năm nay, người bán xăng dầu như đang bị nằm trên “giường bệnh” - rất khó khăn. Nghị định 83 kêu gọi DN đầu tư, bỏ vốn ra. Nhiều người mang tài sản của mình, người thân kinh doanh, nếu thị trường như hiện nay, khó khăn kéo dài. DN bán lẻ sẽ mất hết sản nghiệp chứ không chỉ mất tài sản.
Ông Hán chia sẻ: Một số người coi xăng dầu như nghề truyền thống, có gia đình 3 đời kinh doanh xăng dầu, tôi cũng là 2 đời. Nhưng tôi thấy chưa bao giờ kinh doanh xăng dầu khổ vậy, khi bất ổn chính trị thế giới nguồn cung chỉ biến động 1 tuần, tuy nhiên giờ nguồn cung không biến động nhưng giá, cơ chế khiến DN suy yếu, xót xa vô cùng”.
Do vậy, ông Hán kỳ vọng, Nghị định mới cần điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, không phải chịu sự điều tiết, can thiệp nhiều làm cho thị trường bị kiểm soát chặt chẽ.
Đáng chú ý, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng cần đẩy dần kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Việc thay đổi nghị định cũ, xây dựng Nghị định mới là cần thiết.
Hiện, 1 lít xăng bán ra thực hiện nhiều mục tiêu. Vì vậy, ông Khanh mong muốn, những quy định gì quá chung chung trong Nghị định nên lược bớt, tạo thuận lợi cho DN, nếu không DN dễ bị bắt lỗi như nhân viên xăng dầu phải đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy, DN bỏ tiền ra không biết đào tạo thế nào, ai cấp chứng chỉ.
“Thị trường nên để DN quyết định giá, giá mấp mô thì người tiêu dùng càng có quyền lựa chọn”, ông Khanh nhấn mạnh.
Lê Thúy