Ở tỉnh Long An, việc tiêu thụ khoảng 20.000 tấn thanh long vào vụ thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán là cả bài toán hóc búa dù đã kêu gọi “giải cứu”.
Thực ra chuyện này không mới. Nhất là nhiều năm nay, người trồng thanh long vẫn thường xuyên rơi vào cảnh lao đao vì “được mùa rớt giá”.
Vòng luẩn quẩn
Trong khi đầu ra sản phẩm thiếu ổn định thì nhiều nông dân chủ yếu vẫn sản xuất thanh long theo phương pháp truyền thống nên chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính, mà chỉ bán cho thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc. Chính vì bán theo phương thức này nên đến nay vẫn chịu tác động nhiều bởi thị trường.
Việc tiêu thụ khoảng 20.000 tấn thanh long ở Long An vào vụ thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán là cả bài toán hóc búa dù đã kêu gọi “giải cứu”. |
Còn ở tỉnh Gia Lai, những người trồng dưa hấu vụ Tết này như "khóc ròng" khi đã bắt đầu đến kỳ thu hoạch nhưng mỏi mắt chờ vẫn không thấy thương lái tới thu mua, khiến người trồng đứng trước nguy cơ trắng tay.
Điển hình như tại Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có khoảng 60 ha dưa của người dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng. Ngoài một số hộ bán được giá 5.000-6.000 đồng/kg đã tháo dỡ lều trại về quê, vẫn còn những ruộng dưa bắt đầu thu hoạch, nhưng không có thương lái đến mua.
Một nông dân cho biết đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cho vụ dưa này, nếu để ruộng dưa chín hết, không có ai đến mua thì coi như mất trắng, hy vọng về cái Tết ấm đang nguội dần.
Nhìn từ chuyện người trồng dưa ở Gia Lai lao đao với vụ Tết, nhiều ý kiến đặt dấu hỏi: Miền Trung là thủ phủ trồng dưa và thường xuyên phải giải cứu, tại sao ở Gia Lai lại trồng?
Điều đó càng cho thấy tư duy của người nông dân vẫn còn hạn chế trong chuyện này. Còn chính quyền địa phương lẽ ra ngay từ sớm cũng nên khuyến cáo để nông dân không trồng theo phong trào - không khác gì "canh bạc", dễ dẫn đến rủi ro, thất bại.
Bên cạnh chuyện “được mùa mất giá” thì chuyện “được giá mất mùa” có thể kể đến trường hợp giá xoài cát Hoà Lộc trong mùa Tết 2022 hiện đang được thương lai thu mua ở tỉnh Hậu Giang khá cao (45.000 đồng/kg loại 1; loại 2 cũng được thu mua với giá cao là 40.000 đồng/kg) trong bối cảnh khan hiếm.
Như chia sẻ của ông Bùi Hoàng Khải, Giám đốc HTX xoài Hòa Lộc Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, những ngày qua có nhiều thương lái tìm đến nhà vườn đặt cọc mua xoài Tết nhưng nhà vườn không có xoài để bán. Do ảnh hưởng thời tiết, vụ xoài Tết năm nay năng suất giảm hơn một nửa so với năm trước.
Trong khi đó, ngược lại với giá xoài Hoà Lộc, giá mít Thái ở Hậu Giang mà thương lái vào vườn thu mua của người dân hiện nay chỉ ở mức từ 9.000-10.000 đồng/kg đối với loại 1, loại 2 là 4.000 đồng/kg, mít dạt chỉ 1.000-2.000 đồng/kg.
Chờ nông dân chuyển biến tư duy
Theo các nhà vườn, giá mít Thái như trên là mức giá thấp so với nhiều năm qua. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá mít hiện tại đã giảm phân nửa. Nguyên nhân là do thời điểm này, mít không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Trong khi diện tích trồng mít hiện nay khá lớn nên không thể tiêu thụ hết ở thị trường nội địa.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh có 8.421ha mít, chủ yếu là ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, TP Ngã Bảy… nên ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân theo dõi tình hình thị trường để tính toán và có cân đối lại việc xử lý ra trái để tránh tình trạng cung vượt cầu, giá cả xuống thấp.
Hoặc như ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) vốn lâu nay được xem là “thủ phủ” trồng mãng cầu xiêm của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vụ Tết năm nay, nông dân nhiều khả năng trắng tay.
Đó là vì nông dân không dám đầu tư sản xuất vì giá phân, giá thuốc quá cao, trong khi giá mãng cầu xiêm bất định vì dịch Covid-19. Cần lưu ý huyện Tân Phú Đông trước đây có đến 1.500ha trồng mãng cầu xiêm, thế nhưng hiện chỉ còn khoảng 100ha.
Theo giới chuyên gia, không chỉ với vụ Tết, vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” hoặc “được giá mất mùa” diễn ra hàng chục năm rồi, nhưng phương án khả dĩ để khắc phục, hay hạn chế sự thiệt hại cho nông dân vẫn còn quá mông lung.
Có ý kiến cho rằng người nông dân Việt làm sao có đủ trình độ và lượng thông tin cần thiết để quyết định trồng cây gì, hay nuôi con gì. Trong khi đó, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn rất lỏng lẻo, thì làm sao có đủ sức mạnh để bảo vệ được việc sản xuất hay kinh doanh của mình?
Trong chuyện này thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về cơ quan quản lý. Nếu không nhanh chóng khắc phục những tồn tại và bất cập này, chắc chắn sẽ không có được một nền sản xuất nông nghiệp đủ mạnh để tồn tại và phát triển trong nước, chứ chưa nói đến cạnh tranh với các nước.
Cần nhắc lại câu nói gần đây của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đó là “người nông dân cần chuyển biến triệt để tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp”.
Từ câu nói trên, trao đổi với VnBusiness, Ts. Abel Alonso (Đại học RMIT) nhấn mạnh giống như bất kỳ các cá nhân nào khác, nông dân thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi lợi nhuận tài chính. Nếu điều này đạt được thì nó sẽ trở thành một công cụ thuyết phục nông dân mạnh mẽ.
Theo Ts. Alonso, các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Họ cần hiểu rằng việc tạo điều kiện cho nông dân phát triển các hoạt động gia tăng giá trị có thể giúp nhiều nông dân thay đổi tư duy, từ hành vi chỉ sản xuất cho đơn vị trung gian hay nhà phân phối đến trở thành những chủ doanh nghiệp siêu nhỏ.
Thế Vinh