Kể từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội của hai bên phê chuẩn. Có thể nói, EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi đối với kinh tế và xã hội của nước ta.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. |
Tuy nhiên, do sự hoành hành của đại dịch COVID-19 và chưa biết khi nào sẽ kết thúc nên cả hai bên sẽ không tránh khỏi một số khó khăn nhất định trong quá trình thực thi Hiệp định quan trong này. Việc thực thi thành công Hiệp định trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực của cả phía Việt Nam và EU trong quá trình vừa chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội của cả hai bên.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng đã ký thông qua kế hoạch hành động của Chính phủ do Bộ Công Thương làm đầu mối xây dựng.
Kế hoạch xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; Công tác xây dựng pháp luật, thể chế; Công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Mỗi nhiệm vụ lớn với các nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành cụ thể để chủ trì triển khai.
"Có thể nói đây là một Kế hoạch toàn diện, nội dung có tính đến đa khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ mới, với mục tiêu cao nhất là tạo nền móng, cơ sở cho việc thực thi các cam kết, cũng như chuẩn bị về mặt năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, các ngành hàng, dịch vụ nhằm sẵn sàng chớp lấy những cơ hội, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hiệp định này đối với nền kinh tế trong nước", Bộ Công Thương cho biết.
Trong Kế hoạch, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng Kế hoạch của Bộ, ngành và địa phương mình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, theo hướng phù hợp với đặc điểm, nhu cầu, cũng như vai trò, chức năng của cơ quan, tỉnh, thành phố trong quá trình thực thi EVFTA.
Đặc biệt, sáng nay (6/8/2020), Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA” với lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh cùng với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để thảo luận hướng triển khai một cách có hiệu quả nhất Hiệp định quan trọng này. Nếu thực thi một cách thực sự hiệu quả, EVFTA cùng với CPTPP sẽ là cú hích quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới mà nhiều quốc gia Đông Nam Á chưa có được.
Để Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ cần phải có những bước triển khai cụ thể, thiết thực, vững chắc, không vội vàng, nôn nóng, song cũng không chậm trễ để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức.
Do đó, với Hiệp định EVFTA, toàn bộ bộ máy Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế khác trong xã hội cần chú trọng triển khai Hiệp định, đẩy mạnh hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hướng dẫn thực thi Hiệp định này, công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh công tác truyền thông về EVFTA, để tất cả các doanh nghiệp Việt Nam biết, hiểu đúng, hiểu rõ và áp dụng được Hiệp định này vào đời sống sản xuất, kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, cần thể hiện tinh thần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định EVFTA, vì chỉ khi hiểu mới có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống những cam kết này.
Bộ Công Thương cũng cho biết, đã hoàn thiện Kế hoạch thực hiện EVFTA của riêng mình để chuẩn bị cho việc ban hành. Trong kế hoạch này, Bộ đã xác định nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về Hiệp định, tiếp cận thị trường EU, tận dụng EVFTA.
Lê Thúy