Nói như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”.
Thứ trưởng hỏi Cục trưởng về vấn đề nóng
Những ngày cuối năm 2021, một thông tin rất vui là vượt qua những khó khăn, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã vượt chỉ tiêu đề ra - đạt con số kỷ lục 48,6 tỷ USD. Song, một thông tin không vui mà ngành cũng phải đối mặt là hàng nghìn xe nông sản ùn tắc ở các cửa khẩu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc - đây cũng là con số kỷ lục. Chưa có tính toán chính xác về thiệt hại, song một số thông tin ước tính, thiệt hại có thể lên tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
Nếu đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thì có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng hàng nghìn xe nông sản ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn. |
Tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số ngành NN&PTNT diễn ra chiều ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi cho Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản về vai trò của chuyển đổi số ở đâu để chấm dứt câu chuyện hàng nghìn xe nông sản ùn tắc ở Lạng Sơn?
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thừa nhận đây là câu hỏi khó. Hiện, Cục đang xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối cung cầu. Ngay từ lúc đỉnh điểm của dịch bệnh, tháng 7 vừa qua, Cục đã phối hợp với các chuyên gia hoàn thành xong hệ thống đường dẫn, cho phép khai thác về dữ liệu về sản xuất - cung ứng nông sản tới cấp huyện.
Ông Toản đánh giá cơ sở dữ liệu là "cái gai góc nhất". Muốn phát triển thị trường thì cần thống kê nguồn cung một cách chuẩn xác.
Về thị trường, ông Toản cho biết, bất cứ cầu nào đều phải có cung chuẩn. Chuyển đổi số quan trọng nhất là thể chế, "xây lâu đài hoành tráng thì phải có nền móng tốt ngay từ bây giờ".
Trước câu trả lời của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu quan điểm: Thực tế, điều ông mong muốn là ứng dụng công nghệ số để kết nối cung cầu. Theo đó, cần phải có số liệu cụ thể một năm thu hoạch mỗi loại nông sản bao nhiêu, trong đó có con số cụ thể từng tháng. Từ đó, tính toán đem đi tiêu thụ ở thị trường nào, bao nhiêu sản lượng đưa vào chế biến sâu, bao nhiêu xuất khẩu, bao nhiêu tiêu thụ ở thị trường nội địa.
"Nếu thống kê cung - cầu mà chỉ có mỗi cái dự báo tổng hợp về nguồn cung mà không biết bao nhiêu sẽ chế biến sâu, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, phân ra từng thị trường thì không giải quyết được vấn đề. Làm được điều này thì mới giảm được mùa mất giá, đây là kết nối cung - cầu để tính mình tính toán phương án rải vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, lập kế hoạch tiêu thụ", ông Tiến nhìn nhận.
Lời giải cho câu chuyện mù mờ thông tin
Theo ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có trên 18 nghìn HTX nông nghiệp, có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao (trong đó chỉ khoảng 40% - tương đương 1.000 HTX ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh).
Vì vậỵ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, như triển khai nhật ký điện tử sản xuất, sử dụng điện thoại thông minh để giám sát đồng ruộng, tham gia vào sàn giao dịch điện tử để xuất khẩu.
Tại các sự kiện về nông nghiệp gần đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thường chia sẻ câu chuyện “mù mờ”: Người nông dân “mù mờ”về nhu cầu thị trường, từ sản lượng cho đến quy chuẩn chất lượng; việc nuôi trồng thường dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền tai nhau. Người kinh doanh nông sản “mù mờ” về nơi sản xuất, khiến việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng “mù mờ” về nguồn gốc, xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ “mù mờ” về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp “mù mờ” về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Có thể thấy, bài toán “mù mờ” là vấn đề mà ngành nông nghiệp cần sớm đưa ra lời giải thoả đáng. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã đưa chuyển đổi số vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số là động lực quan trọng trong đổi mới sáng tạo nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm bền vững.
Chuyển đổi số là cơ hội, bài toán thực hiện hoá mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản với chất lượng, chi phí tốt nhất mà sản phẩm bán được giá cao nhất. Sản phẩm phải minh bạch về nguồn gốc để đáp ứng các hiệp định thương mại tự do, mang ra thị trường bán những cái thị trường cần, chứ không phải cái mà mình có.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đang đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ 2 khu vực. Chúng ta còn tiềm năng vươn lên nếu xây dựng được Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số.
"Đại dịch COVID-19 là khủng hoảng toàn cầu, nhưng đại dịch COVID-19 cũng cho chúng ta những bài học và cơ hội, những suy nghĩ, tư duy tích cực; và chuyển đổi số là cơ hội để ngành nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch", ông Tiến nhấn mạnh.
Nhật Linh