Mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ban Chỉ đạo).
Việt Nam đang trở thành điểm nóng đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút nguồn vốn và sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp quốc tế. |
Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành công nghiệp bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.
Không ít ông lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Intel, Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor đã đến Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn, tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển.
Tại Dự thảo Chiến lược Trong dự thảo Chiến lược phát triển Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Việt Nam định hướng đến năm 2045 trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tham gia vào cuộc đua phát triển công nghiệp bán dẫn với tham vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, Việt Nam chỉ còn tối đa 3 - 5 năm để chớp thời cơ trong khi còn nhiều thách thức cần được giải quyết như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực...
Đỗ Kiều