Chiều 23/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với ngành dệt may Việt Nam để giải quyết một số kiến nghị, đề xuất nhằm tạo điều kiện cho ngành phát triển.
Thủ tướng làm việc với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam (Ảnh VGP). |
Theo báo cáo từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2020, ngành dệt may Việt Nam dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5-34 tỷ USD. Thu nhập bình quân toàn Tập đoàn 9 tháng đầu năm 2020 là 7,79 triệu đồng/người/tháng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ý kiến của doanh nghiệp, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành có giảm nhưng mức giảm không nhiều. Nguyên nhân là do Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu, các đơn hàng tương đối ổn định.
Nhìn nhận những bước phát triển của ngành dệt may, Thủ tướng nêu rõ, ngành có vai trò quan trọng, sử dụng số lượng lao động rất lớn, đến 4,3 triệu người. Xuất khẩu của ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch quốc gia.
“Tôi rất ấn tượng về những thành công bước đầu quan trọng này”, Thủ tướng bày tỏ. Không chỉ năm 2020 mà cả năm 2021, ngành quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019 và năm 2022 cao hơn năm 2019.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số mặt hạn chế như việc tận dụng cơ hội xuất khẩu trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) còn thấp. Đồng thời, ngành cần chú trọng hơn đến thị trường nội địa, nhất là đồng phục công sở, đồng phục học sinh, sinh viên. “Chúng ta chưa làm tương xứng với thị trường này, chưa tạo thành một cực cân bằng với xuất khẩu để bảo đảm bền vững hơn cho sản xuất kinh doanh dài hạn”, Thủ tướng nói.
Ngành dệt may cũng cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, “nhanh, quyết liệt để chiếm lĩnh, phát triển”.
Đồng thời, dệt may Việt Nam cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà Hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.
Lê Thúy