Theo đánh giá từ Tổng cục Hải quan, trị giá XK nửa đầu tháng 10/2020 của mặt hàng dệt may chỉ đạt 1,28 tỷ USD, đã giảm 229 triệu USD (tương ứng giảm 15,2%) so với nửa cuối của tháng 9/2020. Tính lũy kế từ đầu năm nay đến đến 15/10, kim ngạch XK dệt may đã đạt 23,44 tỷ USD.
Còn trong vòng ảnh hưởng Covid-19
Tại Đồng Nai, một trong năm tỉnh, thành của cả nước đứng hàng đầu về XK dệt may, cập nhật mới nhất cho thấy kim ngạch XK dệt may trong 10 tháng đầu năm 2020 của tỉnh này ước đạt hơn 1,42 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Từ ảnh hưởng của Covid-19 thì DN XK dệt may cần thích ứng sự thay đổi nhanh của thị trường |
Điểm sáng trong tháng 10/2020 là các DN ngành dệt may Đồng Nai đã nhận được những đơn hàng lớn, tăng so với 2-3 tháng trước đó, nhưng cũng chưa khôi phục được như đầu quý I/2020.
Như dự báo với 2 tháng còn lại của năm 2020 thì kim ngạch XK dệt may của Đồng Nai có khả năng chỉ đạt thêm 360-400 triệu USD. Có thể, kim ngạch XK dệt may của tỉnh này chỉ đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm gần 200 triệu USD so với năm 2019 (tương đương với trên 10%)
Còn theo Bộ Công Thương, tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Nếu như năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, nhưng năm nay do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.
Và các DN dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Thực tế, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều DN dệt may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho 2 tháng cuối năm.
Về phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng xác định ngành dệt may đến 2021 vẫn nằm trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của Covid-19. Nếu có vắcxin, dự kiến phải đến hết quý 3/2021 mới có thể quay lại trạng thái bình thường như năm 2019.
Chia sẻ mới đây với giới DN ở Tp.HCM, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), lưu ý trong số những bài học lớn được rút ra từ thách thức Covid-19, thì DN dệt may cần thích ứng sự thay đổi nhanh của thị trường về các dòng sản phẩm. Từ những đơn hàng truyền thống như sơ mi, veston…chuyển sang đồ mặc nhà, khẩu trang.
Bên cạnh đó, DN cần rút ra bài học về phương thức đàm phán, thay vì bay qua gặp trực tiếp thì chuyển sang trực tuyến. Cùng với đó, DN cũng đối mặt và giải quyết thách thức về đánh giá mức độ lao động, sản xuất.
Chờ lội ngược dòng
Cuối cùng, bài học về việc thanh toán với ngành dệt may Việt Nam. Thực tế, nhiều DN Việt đang thuê luật sư để có thể đòi lại tiền từ các người mua hàng lớn trên thế giới đã phá sản. Sau đại dịch, các DN có thể phải xem xét lại các phương thức trả chậm…
Ở góc nhìn của một chuyên gia, nữ tiến sĩ Nina Yiu, Chủ nhiệm ngành Quản trị DN thời trang (Đại học RMIT), cho rằng việc hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ thời trang trên thế giới đóng cửa hàng ngàn cửa hàng đã ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy sản xuất thời trang và may mặc tại Việt Nam.
“Hiện tại, các đơn hàng may mặc đã giảm đáng kể do Covid-19 và dự đoán sẽ giảm khoảng 70-80% tại thị trường Mỹ”, bà Yiu nói.
Ts. Yiu tin rằng chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.
Để vượt qua những thách thức này, bà Yiu đã đề xuất một số chiến lược ngắn và dài hạn giúp DN dệt may Việt Nam giảm thiểu thiệt hại.
Theo đó, DN nên cẩn thận xem lại kế hoạch chiến lược, nhu cầu hoạt động và thị trường hiện tại. Điều quan trọng là xem xét mức độ ưu tiên của các đơn đặt hàng, thiết kế lại quy trình quản lý chuỗi cung ứng, ứng dụng mô hình vận hành linh hoạt và lên kế hoạch sản xuất số lượng lớn cho từng giai đoạn.
Ts. Yiu đề xuất DN Việt Nam nên cân nhắc vận hành các dòng sản phẩm khác nhau và đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh ngách sang những mặt hàng mới hoặc phát triển thị trường.
Khi cạnh tranh trong ngành thời trang tăng lên, chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực thời trang sẽ là yếu tố quyết định.
“Chúng ta có cơ hội tận dụng công nghệ điện toán 3D để giảm chi phí trong việc lên mẫu. Chúng ta còn có thể chọn những màu sắc và số lượng để nhuộm sao cho có thể sinh lời, bằng cách giữ lại vải chưa qua xử lý trong quy trình sản xuất sợi và vải có thể dùng để sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau ”, Ts. Yiu cho hay.
Và vị chuyên gia của RMIT cũng lạc quan dự báo: “Sau đại dịch, DN XK Việt Nam sẽ thấy nhu cầu đối với sản phẩm của họ, đặc biệt là hàng thời trang và dệt may, tăng lên”.
“Cơ hội lội ngược dòng sẽ ở việc phát triển thiết kế vải và sản xuất trong nước. Các nhà máy sản xuất nên cân nhắc kết hợp với các công ty thời trang liên doanh để tập trung đầu tư cho tương lai”, vị chuyên gia của RMIT nhấn mạnh.
Thế Vinh