Phát biểu mở đầu Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế-xã hội hôm nay (ngày 3/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trong việc đánh giá tình hình sau 1/2 chặng đường năm 2018, nhất là “nhìn nhận yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của đất nước”. Từ đó, Chính phủ có biện pháp cụ thể hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế-xã hội |
Nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát là tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP 6 tháng tăng 7,08%, cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ.
“Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là nhận định của người ta, của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm của chúng ta, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành. Nếu chùn bước, không làm được gì thì không bao giờ đạt con số mà họ nhận định”, Thủ tướng chia sẻ để các bộ, ngành, địa phương cùng suy nghĩ cần làm gì để đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng điểm ra đầu tiên là sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm khi mà CPI 6 tháng qua tăng mạnh, 0,61%, cao nhất trong 7 năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng). Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.
Ngoài ra, tồn tại nữa là phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện mới đạt 33% dự toán năm. So với năm ngoái có tốt hơn nhưng đây vẫn là khâu yếu, do đó, theo Thủ tướng, cần thảo luận vì sao yếu, vì sao chậm, nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì?
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn rào cản, có dấu hiệu “chững lại”, do đó, cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy.
Lê Thúy