GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Thành tích này có được là nhờ đóng góp của các ngành kinh tế.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 49%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4% vào mức tăng trưởng chung.
GDP tăng, vẫn lo lạm phát
Các ngành kinh tế trên đều có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6-7 năm trở lại đây như ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.
Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, ngành thủy sản đạt kết quả tích cực với 6,41% – tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua.
Ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 5,42% của cùng kỳ năm 2017. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13% – cao nhất trong 7 năm trở lại đây…
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát đã tăng trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017, cao nhất trong 7 năm qua.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), lạm phát trong 6 tháng tới tiềm ẩn nguy cơ tăng cao khi giá thịt lợn khó kiểm soát; thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, mỗi lít xăng tăng 1.000 đồng, dầu tăng 500 đồng, tăng mức lương cơ sở…
Trước thực tế này, để đảm bảo mục tiêu lạm phát cả năm 2018 là 4% như Quốc hội giao, bà Ngọc khuyến nghị cơ quan quản lý cần không tăng giá đồng loạt các mặt hàng, dịch vụ y tế, giáo dục… vào cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt trong đó chú trọng cho vay những lĩnh vực ưu tiên như DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng kiềm chế lạm phát trong 6 tháng cuối năm là vấn đề cần chú ý, giá dầu trên thế giới có thể biến động, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng làm thị trường thế giới khó có sự ổn định… điều này tác động đến nguồn hàng, tác động đến giá cả dịch vụ.
"Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực hơn rất nhiều trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nguồn vốn, giảm chi phí cho DN. Mục tiêu chúng ta cần phải đạt được là chỉ số lạm phát phải thấp hơn chỉ số tăng trưởng", ông Doanh khuyến cáo.
Nếu phát huy được lợi thế trong nông nghiệp thông qua đẩy mạnh xuất khẩu rau củ quả, sản xuất theo mô hình tập trung ứng dụng công nghệ cao… Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng như mong muốn. |
Động lực tăng trưởng chưa thay đổi
Hơn nữa, chúng ta không thể không thừa nhận có được thành tích tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào đóng góp của khu vực DN FDI. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), cho biết đóng góp của FDI là rất tích cực vào GDP.
Riêng 6 tháng đầu năm 2018, hai DN FDI lớn nhất Việt Nam là Samsung và Formosa đã đóng góp 28% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo kết quả điều tra kinh tế năm 2017, các DN FDI có lợi nhuận hơn 48% tổng lợi nhuận năm 2016, điều này cho thấy khu vực FDI khá hiệu quả và tăng trưởng của họ tiếp tục được duy trì.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng chất lượng tăng trưởng bắt đầu chuyển động nhưng mô hình tăng trưởng chưa thay đổi: Các vấn đề cơ cấu (tiêu chuẩn môi trường thấp; tận khai tài nguyên và "lợi thế" lao động rẻ chất lượng thấp) chưa được giải quyết. Cơ sở tăng trưởng dài hạn (doanh nghiệp, các nguồn lực cơ bản) chưa thay đổi căn bản.
"Động lực tăng trưởng chưa thay đổi căn bản, cơ bản vẫn là cấu trúc cũ, đẳng cấp ngành/chủ thể tăng trưởng yếu, phụ thuộc khu vực ngoại, thiếu đầu tàu", ông Thiên nhận xét.
Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương nỗ lực cải cách, giảm bớt thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ chủ động gây áp lực mạnh nhưng tiến triển đến nay vẫn chậm, gặp nhiều khó khăn ở "tầng giữa – các bộ ngành địa phương", vẫn nhiều thủ tục trói buộc DN, công chức kiếm cớ làm khó, vòi vĩnh "phong bì, phong bao".
Thực tế, 6 tháng đầu năm 2018, tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động là gần 81.000 DN. Tuy nhiên, số lượng DN tạm dừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể cũng khá cao, với hơn 34.000 DN.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh là cải cách thể chế. "Cải thiện môi trường kinh doanh đang là một động lực của tăng trưởng. Các doanh nghiệp được giảm chi phí nhiều hơn, từ đó họ đầu tư nhiều hơn vào phát triển sản xuất kinh doanh. Đó mới là động lực của tăng trưởng".
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng dù đạt được kết quả cao nhưng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dưới mức tiềm năng. Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kết quả tăng trưởng 8-9% .
Trong đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho biết nếu phát huy được lợi thế trong nông nghiệp thông qua đẩy mạnh xuất khẩu rau củ quả, sản xuất theo mô hình tập trung ứng dụng công nghệ cao… Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng như mong muốn.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay khác các năm trước, quý I tăng trưởng cao, quý II vẫn giữ được đà tăng trưởng như vậy. Chúng tôi tin tưởng, ngay từ đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 với từng chương trình cụ thể để chỉ đạo điều hành các bộ ngành, địa phương với tinh thần cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quyết liệt. Đồng thời, Tổng cục Thống kê cũng xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý nhằm đối phó với các tình huống xấu, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm là hoàn toàn khả thi. Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Nguy cơ khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm ít có cơ hội xảy ra đối với Việt Nam vì nền kinh tế đang được điều hành rất tốt thông qua các đợt điều chỉnh ngân hàng, thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước vẫn có vấn đề; cải cách không được làm đến nơi, đến chốn, đặc biệt xuất hiện tâm lý lạc quan, kỳ vọng thái quá khi thấy kinh tế đang tốt lên. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Tổng cục Thống kê nhận định tăng trưởng quý II sẽ giảm, lúc đó tôi đã nghĩ dự báo đó không đúng. Họ thường tính toán tăng trưởng của từng ngành rồi đưa ra dự báo tăng trưởng cho cả nền kinh tế nhưng chính sự thay đổi thể chế mới làm cho DN, người dân phát huy năng lực, sáng tạo, qua đó đầu tư kinh doanh đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của cả nước. |