Báo cáo Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Bộ GTVT đặt lộ trình hạn cuối cùng áp dụng thu phí không dừng giai đoạn 1 là 31/12/2019 cho 28 trạm thu phí. Giai đoạn 2, Bộ đấu thầu công khai nhà cung cấp dịch vụ. Hiện cả nước có hơn 3 triệu ôtô, nhưng số lượng xe dán thẻ thu phí không dừng E-Tag chưa đến 1 triệu chiếc.
75% trạm BOT chưa lắp ETC
Mới đây, VETC đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho dừng thực hiện hợp đồng thu phí không dừng.
Ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VETC, cho biết sau gần 5 năm tồn tại, trạm thu phí không dừng vận hành không hiệu quả. Hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT không chịu hợp tác trong triển khai thu phí tự động. Cụ thể, đến nay mới có 11 trạm thu phí ký phụ lục hợp đồng dịch vụ về chủ trương trích doanh thu phí; còn lại 33 trạm thu phí, chiếm 75% chưa ký phụ lục hợp đồng dịch vụ thu phí.
Chủ tịch VETC thừa nhận kết quả triển khai không đạt được tiến độ và mục tiêu đã đề ra, rất chậm và kéo dài. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và vận hành dự án, chưa đảm bảo được tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT.
Mặt khác, lãnh đạo VETC cũng chia sẻ: đến nay, thu phí tự động không dừng chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch. Vì vậy, tính đến ngày 30/9/2019, VETC bị lỗ 300 tỷ đồng, nhà đầu tư (CTCP Tasco) đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ lũy kế để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành.
Theo tính toán của VETC, nếu hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm và chưa triển khai được thu phí không dừng của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), VIDIFI (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thì lỗ lũy kế cho công tác vận hành sẽ lên đến 580 tỷ đồng.
Chủ tịch VETC bày tỏ lo ngại: “Các cổ đông không đồng thuận việc tiếp tục đầu tư, cung cấp vốn cho dự án, đồng thời có rất nhiều ý kiến về việc dự án đã trải qua 5 năm không nhận được cổ tức mà liên tục đầu tư thêm vốn để bù đắp dòng tiền do lỗ vận hành và chưa biết đến bao giờ mới giải quyết xong các vướng mắc, tồn tại. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bị phá sản”.
Với lý do này, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án tiếp tục triển khai thực hiện, phát huy lợi ích và hiệu quả của dự án mang lại cho xã hội, đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cùng với VETC có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp (DN) theo quy định của pháp luật trong tháng 12/2019 (trong trường hợp những tồn tại và khó khăn đã báo cáo ở trên không được giải quyết).
Thu phí tự động không dừng chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch |
Hài hòa lợi ích
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho rằng công nghệ thu phí đường bộ tự động không dừng hiện đã được nhiều nước áp dụng, Việt Nam không cần sáng tạo, chỉ cần “bê nguyên” về áp dụng. Thủ tướng đã chỉ đạo, nhưng việc triển khai thu phí tự động vẫn chậm. Việc nhà đầu tư kêu lỗ, “dọa” trả lại dự án hay ép Bộ GTVT chia sẻ rủi ro là chưa thỏa đáng.
Thực tế, trước đó tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đặt nhiều câu hỏi với tư lệnh ngành giao thông: Vì sao chủ trương thu phí tự động không dừng liên tục bị lùi?
Đại biểu Nguyễn Văn Giàu (Đoàn An Giang) chất vấn: “Với mốc kế hoạch mới là cuối năm 2019, 100% trạm thu phí sẽ chuyển sang thu phí không dừng thì có làm được hay không khi chỉ còn vài tháng nữa?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết 2 năm qua liên tục có những văn bản chỉ đạo, đốc thúc các nhà đầu tư chuyển đổi từ thu phí thủ công sang thu phí tự động không dừng, nhưng thực tế chủ trương này bị chậm 1 năm so với kế hoạch.
“Tới 31/12/2019, toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc sẽ triển khai thu phí tự động không dừng. Chủ đầu tư BOT sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chậm triển khai. Chủ đầu tư nào cố tình chây ỳ thì sẽ bị dừng thu phí và chịu hậu quả kinh tế”, ông Thể quả quyết.
Tuy nhiên, trên thực tế, có một số DN BOT chậm triển khai lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (ETC). Chẳng hạn, VEC với 226 làn thu phí không dừng cần lắp đặt nhưng đến nay làm rất chậm.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Giàu tranh luận lại: “Quyết tâm đẩy nhanh chủ trương thu phí không dừng của Bộ GTVT là tốt nhưng cần đánh giá lại tổng thể vì chính sách này ảnh hưởng tới 5-6 triệu đầu xe”.
Đại biểu lo ngại nếu không đánh giá hết, DN không kịp tiến hành đúng hạn rồi bị tước quyền thu phí, rồi sau đó lại thu phí trở lại sẽ là vấn đề rất lớn. Vì vậy, Bộ GTVT cần có phương án truyền thông tốt hơn, để tránh gây xáo trộn xã hội.
Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông La Văn Thái, việc triển khai thu phí tự động vừa qua chậm, lỗi trước hết là của Bộ GTVT, trực tiếp là Tổng cục Đường bộ. Bộ GTVT cần phải có phương án kịp thời khi lộ trình đưa ra đã rõ ràng nhưng đến phút cuối, nhà đầu tư xin rút.
Ông Đặng Đại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho biết chủ trương thu phí không dừng là đúng đắn, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo an ninh, tránh nguy cơ ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.
Tuy nhiên, hiện một số DN chần chừ, nguyên nhân lớn nhất đến từ sự không công bằng giữa quyền lợi của cơ quan quản lý, quyền lợi của người dân và DN. Theo đó, hợp đồng PPP ký giữa DN và Nhà nước trước đây không tính đến khoản chi phí lắp đặt và vận hành thu phí không dừng. Nay muốn thay đổi phải điều chỉnh hợp đồng, nếu không sẽ rất thiệt cho nhà đầu tư. Trong khi đó, chủ trương hiện nay của Bộ GTVT là không cho nâng giá vé theo lộ trình đã ký trong hợp đồng.
Thanh Hoa
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Đơn vị triển khai công nghệ thu phí không dừng về bản chất chỉ là một đơn vị cung cấp dịch vụ và là đơn vị ăn theo các trạm thu phí. Vậy nhưng nhà cung cấp dịch vụ ETC đòi nhà đầu tư phải bàn giao trạm để quản lý là quá phi lý. Cơ sở nào để nhà đầu tư đưa ra việc này, nếu trích 2% doanh thu tại cả 44 trạm thu phí BOT thì số tiền VETC thu được sẽ kinh khủng mức nào? Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nếu phương tiện dán thẻ ETC tăng hơn 10% là DN sẽ tự hạch toán được thu chi. Do vậy, cùng với yêu cầu Cục Đăng kiểm, các trạm BOT hỗ trợ, đẩy mạnh việc dán thẻ ETC cho ô tô, từ ngày 11/11, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an tổ chức lực lượng hướng dẫn, tuyên truyền phương tiện dành làn lưu thông không dừng cho xe dán thẻ ETC, sau đó nếu phương tiện không dán thẻ ETC vẫn đi vào làn thu phí không dừng sẽ bị xử phạt. Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông Để giải quyết sự chậm trễ trong triển khai thu phí tự động không dừng, người cầm trịch ở đây là Bộ GTVT. Nhà nước đã quyết và giao quyền cho Bộ GTVT, Bộ GTVT chỉ đạo cấp dưới thực hiện, nếu không thì phải có biện pháp bắt buộc phải thực hiện. Ngoài ra, chủ đầu tư BOT không đồng ý lắp đặt thu phí tự động không dừng thì phải nêu lý do, lý do chính đáng thì Bộ GTVT xem xét điều chỉnh; nếu không chính đáng thì chủ đầu tư BOT buộc phải tuân theo, không thì Bộ GTVT sẽ phải cưỡng chế và có biện pháp xử phạt. Đó là nguyên tắc hành chính... |