Trước dịch COVID-19, mỗi năm, Hợp tác xã (HTX) thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) xuất khẩu khoảng 6.000 tấn thanh long chính ngạch vào các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Pháp và Singapore. Nhưng 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới đầu ra của trái thanh long, HTX chỉ xuất được 2.000 - 3.000 tấn/năm.
Khó chồng khó
Chia sẻ với VnBusiness, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu cho biết, trước dịch COVID-19 thì còn kinh doanh, làm ăn được, chứ giờ khó khăn lắm, dịch bệnh làm phát sinh rất nhiều vấn đề.
Đầu ra của trái thanh long vẫn gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc còn bấp bênh. |
Theo Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu, việc xuất khẩu sang châu Âu hay các thị trường xa gặp khó khăn trong việc tìm kiếm container rỗng, cước vận tải cao gấp 3 lần. Trong khi đó, với các thị trường gần như Trung Quốc, Thái Lan thì cũng gặp phải nhiều khó khăn, cước vận chuyển cũng tăng gấp 2 lần. Thậm chí thị trường Thái Lan, thời điểm này họ không đóng hàng.
Riêng với thị trường Trung Quốc - đang chiếm khoảng 30% tổng sản lượng xuất khẩu thanh long của HTX, ông An cho biết HTX vẫn xuất hàng qua các đầu mối của họ, song vấn đề lớn nhất là giá mua rất rẻ. "Trước dịch, giá bán thanh long tại vườn để xuất khẩu sang Trung Quốc trung bình 20.000 đồng/kg, giờ chỉ bán được 10.000 - 12.000 đồng/kg".
Hơn nữa, thanh long sang được đến thị trường Trung Quốc bị đội giá rất cao, khó cạnh tranh. Ông An cho biết, việc vận chuyển thì vẫn thông suốt dù dịch bệnh có diễn biến căng thẳng. Tuy nhiên, việc phải trải qua nhiều chốt kiểm dịch, kiểm tra an toàn COVID-19, yêu cầu gắt gao về nguồn gốc nông sản khiến chi phí bị đội lên rất lớn, hàng hư hỏng nhiều, thanh long Việt Nam khó cạnh tranh.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay dịch COVID-19 đã khiến nhiều loại thủy sản của địa phương này gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có thời điểm phải phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch.
Có một thực tế là nhiều loại thủy sản của Quảng Ninh đã nằm trong danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như ngao, hàu... Tuy nhiên, do phía Hải quan Trung Quốc chưa có hướng dẫn giám sát các mặt hàng để xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh nên nhiều loại nông sản buộc phải theo đường xuất khẩu tiểu ngạch.
"Quảng Ninh kiến nghị Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Hải quan làm việc với phía Hải quan Trung Quốc sớm có hướng dẫn giám sát mặt hàng này, để hàng hóa được lưu thông", ông Khắng nói.
Cần sự kết nối của cơ quan chức năng
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đạt 4 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam lan rộng trên nhiều địa phương. Các địa phương có dịch đều chung một đặc điểm là có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, nối liên tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc.
Chẳng hạn như: Quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn, đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Lạng Sơn, đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 10 nối Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình...
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa vụ thu hoạch và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính (như vải, nhãn, thanh long...) có nguy cơ gây áp lực thông quan hàng hóa khi đưa lên các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc đẩy mạnh xuất khẩu, nông sản Việt Nam vẫn đang bị kiểm soát bởi các hàng rào kỹ thuật cũng như những chứng nhận. Cụ thể, Trung Quốc là thị trường rất lớn, rất tiềm năng nhưng hiện nay chúng ta cũng mới chiếm khoảng 3% dung lượng thị trường nhập khẩu nông sản của nước này.
Làm sao để thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc? Ông Chinh cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp để đàm phán thêm các loại rau, củ, quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn, dù các Bộ, ngành đã tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX tiếp cận thị trường mới, song các doanh nghiệp, HTX bên cạnh những khó khăn về vốn còn gặp khó khăn về kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương, kỹ thuật đàm phán, tiếp cận thị trường... Đây cũng là vấn đề mà các Bộ, ngành phải cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, HTX.
Chưa kể, hiện lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới tương đối nhiều. Ông Chinh kể: "Hôm vừa rồi chúng tôi có làm việc với Lạng Sơn để làm sao xử lý tốt vấn đề cửa khẩu cả ở phía bạn và ta. Ngày 8/5 vừa qua, có 1 đợt ách tắc cục bộ do thay đổi về cơ chế quản lý đối với một số cửa khẩu phụ của phía Trung Quốc, đến nay tình hình này đã được khắc phục. Tuy nhiên, về lâu về dài, việc điều phối hàng hóa giữa các địa phương, doanh nghiệp với các tỉnh biên giới để xuất khẩu sang Trung Quốc là vấn đề cần phải giải quyết. Nếu không sẽ rất khó khăn".
Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh mỗi ngày cho phép khoảng 300 – 400 xe hàng thông quan, nhưng xe chở hàng hóa từ các địa phương đi lên các cửa khẩu này rất đông mà không có điều tiết.
"Chúng tôi cũng đã khuyến cáo rất nhiều với các doanh nghiệp khi đưa hàng hóa lên biên giới, cần phải có hợp đồng, chuyển sang hình thức chính ngạch. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vẫn đưa lên theo kiểu phong trào, cứ đưa lên thế thôi còn việc bán thế nào thì chưa rõ. Do đó, việc tổ chức kết nối, phối hợp giữa các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Biên phòng phải làm sao để điều tiết được lượng hàng đưa lên, tránh thiệt hại", ông Chinh chia sẻ.
Theo đại diện Bộ Công Thương, tới đây, Bộ sẽ chủ trì, tổ chức Hội nghị trực tuyến với tham tán, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ quả sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ để chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc của Bộ trưởng với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.
Nhật Linh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |